An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Phúc: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo tạo việc làm, ổn định cuộc sống
03:47 PM 28/05/2019
Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thiếu việc làm, thiếu vốn, thiếu kiến thức phát triển sản xuất là những nguyên nhân dẫn đến nghèo của các gia đình. Trước thực trạng trên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung cho lao động trên địa bàn tỉnh, người lao động thuộc hộ nghèo còn được hưởng nhiều chính sách ưu tiên về hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. Giai đoạn 2016 - 2018, đã có hơn 1.280 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ học nghề với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo được học nghề phù hợp, sau khi học nghề được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiếp tục được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Để khuyến khích, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo tham gia XKLĐ, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 15 triệu đồng cho người lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng vàthực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản; hỗ trợ 8 triệu đồng đối với người lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc ở các nước khác. Người lao động còn được vay tối đa 200 triệu đồng và được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 12 tháng đầu từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh, ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức ký cam kết thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo giữa UBND các huyện, thành phố với Ngân hàng CSXH tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, đã có 467 người nghèo, người cận nghèo, người thuộc gia đình mới thoát nghèo được hỗ trợ kinh phí XKLĐ với số tiền 312,6 triệu đồng. Năm 2018, toàn tỉnh có 2.071 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó, có hàng trăm lao động thuộc các gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Cùng với đó, chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 1.752 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng; 2.198 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với kinh phí 104,5 tỷ đồng; 1.663 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với kinh phí 77,6 tỷ đồng...
Gia đình ông Đặng Quốc Dự, ở thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) là một trong hàng nghìn hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Dự cho biết: “Năm 2014, vợ tôi mắc bệnh ung thư. Để có tiền điều trị, gia đình tôi phải bán hết đồ đạc, vay mượn anh em, bạn bè;thêm vào đó là 3 đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học nên cuộc sống rất khó khăn. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế, tôi mua 1 cặp bò sinh sản và mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà, chim bồ câu… Hiện, kinh tế gia đình tôi đã khá hơn nhiều và trả được hết nợ ngân hàng”.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Đỗ Thị Minh ở thôn Chùa, xã Vân Xuân (Vĩnh Tường) phát triển chăn nuôi, nay đã thoát nghèo
Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 6.921 hộ nghèo, chiếm 2,11%, giảm 0,82% so với cuối năm 2017; số hộ cận nghèo còn 9.804 hộ, chiếm 3%, giảm 0,51% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn do một bộ phận người lao động đăng ký đi học theo hình thức, gây lãng phí ngân sách của tỉnh. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về chính sách, mục đích chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo ở một số địa phương chưa sâu rộng và chưa cập nhật thường xuyên nên vẫn còn tình trạng hộ nghèo chưa biết cách để tiếp cận với chương trình, nguồn vốn. Ngoài ra,vẫn còn một bộ phận hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hoặc do thiếu kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm sản xuất nên chưa dám mạnh dạn vay vốn…
Để hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo tiếp tục được triển khai hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; vận động người nghèo nêu cao ý thức tự lực, tham gia học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, các địa phương cần làm tốt công tác điều tra, rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề và việc làm của người nghèo để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp; chủ động kết nối cung - cầu với các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm việc làm mới cho người lao động…

Lê Mơ
 
TAG: Việc Làm Người Nghèo Hỗ Trợ
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công