Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Vĩnh Phúc phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%
09:58 AM 23/06/2021
(LĐXH)- Đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% và đạt 45 - 50% vào năm 2030; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,5%...
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 17/6/2021 về hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người sử dụng lao động và người lao động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Đồng thời, phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của tỉnh, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vĩnh Phúc phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% 
Đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế.
Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2025 và đạt 45 - 50% vào năm 2030. Tạo việc làm tăng thêm cho người lao động từ 16.000 đến 17.000 việc làm mới; phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,5%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2030 dưới 25%.
Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Về vấn đề đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 6,5% lực lượng lao động vào năm 2030.
Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: đến năm 2025 có 90% và năm 2030 có trên 98% học sinh, sinh viên tốt nghiệp THPT được hướng nghiệp; năm 2025 có 40% và năm 2030 có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm.
Đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động. Năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu vào hệ thống phần mền quốc gia về lao động nhằm quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa…
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch. Phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố rà soát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập; xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới cho người lao động. Triển khai thực hiện hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề và tổ chức đánh giá kỹ năng của người lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chức năng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mạng lưới công tác viên cơ sở về tư vấn, giới thiệu việc làm thôn, xã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường độ, số lượng phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm và các huyện, thành phố, đổi mới trong công tác cung ứng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm...

Chí Tâm

TAG: Vĩnh phúc UBND tỉnh ban hành Kế Hoạch Hỗ Trợ phát triển THị trường lao động năm 2030 Phấn đấu giải Quyết Việc Làm tỷ lệ lao động đào tạo
Tin khác
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm