Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác giải quyết việc làm, gắn với cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
02:59 PM 13/11/2019
Xác định tầm quan trọng và mối liên hệ mật thiết giữa công tác giải quyết việc làm và việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực lao động – việc làm tại địa phương.
Sự thành lập và phát triển của các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua một mặt tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tìm được công việc ngay tại địa phương, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác giải quyết việc làm lâu dài, bền vững cho người lao động. Trên thực tế, dù nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Vĩnh Phúc không hề nhỏ, nhưng những yêu cầu cao về trình độ, tay nghề và tuổi đời của người lao động là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Xác định tầm quan trọng và mối liên hệ mật thiết giữa công tác giải quyết việc làm và việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực lao động – việc làm tại địa phương.

Tư vấn chính sách việc làm cho người lao động
Tích cực giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn cho người lao động
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động được chú trọng đặc biệt. Song song với việc nỗ lực đa dạng hóa hình thức tư vấn (tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, tư vấn tại sàn giao dịch việc làm, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tuyến…), đội ngũ tư vấn viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng do Cục việc làm tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và công bố thông tin tuyển dụng, trở thành mắt xích hữu ích kết nối cung – cầu lao động. Ngoài 4 phiên giao dịch việc làm được duy trì định kỳ mỗi tháng, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, huyện để nhân dân địa phương có thêm cơ hội tiếp cận những thông tin cần thiết, hữu ích về những vị trí việc làm còn trống, yêu cầu của doanh nghiệp với ứng viên, các chế độ lương – thưởng cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Thông qua các phiên giao dịch, hơn 500 lao động đã tìm được việc làm sau khi dự tuyển và được doanh nghiệp phỏng vấn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên và giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp cho 838 bạn trẻ.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài được đẩy mạnh. Phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức như Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 56 hội thảo giới thiệu các chương trình vừa học vừa làm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, chương trình xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Đức… Tại các buổi hội thảo, phụ huynh, học sinh và người lao động không chỉ được phổ biến những thông tin chính xác, cập nhật về chương trình mà họ quan tâm mà còn được tư vấn về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự tuyển cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước ngoài. Gần 7.000 người đã được tư vấn, 772 lao động được sơ tuyển và 78 lao động đã được xuất cảnh.
Công tác hỗ trợ kinh phí cho người lao động khởi nghiệp, mở rộng và duy trì việc làm, xuất khẩu lao động cũng được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ủy thác 217 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động. Thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Cục việc làm về hoạt động tín dụng ưu đãi cho người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua đề nghị vay vốn để tạo việc làm tại chỗ của 172 trường hợp với tổng số tiền gần 5,6 tỉ đồng. Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu của tỉnh đã thực hiện chi trả 5.370 triệu đồng cho 533 trường hợp đáp ứng các điều kiện được chi trả một phần chi phí trong quá trình lao động tại nước ngoài.
Với những nỗ lực trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động, trong đó, hơn 12.000 lao động tìm được việc làm trong nước, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại, nông – lâm – ngư nghiệp và khoảng 900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đổi mới hoạt động đào tạo nghề, hướng nghiệp
Để đảm bảo sức cạnh tranh của người lao động trước những nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường, hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định là công tác then chốt. Trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc dự chi gần 5 tỉ đồng để tổ chức các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho 1.146 lao động với mục tiêu từ 80% học viên có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Bên cạnh việc tăng cường kinh phí đầu tư hoc ơ sở vật chất, thiết bị máy móc ở 49 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy tại chính các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề cũng được chú trọng phát triển.
Thực hiện những chủ trương mới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giáo dục nghề nghiệp, Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp không còn đơn thuần là nơi tiếp nhận, sử dụng lao động đã qua đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề… mà từng bước trở thành nhà trường thứ hai khi cho phép học viên tới kiến tập, thực tập tại chính xưởng sản xuất, giúp họ có cơ hội hiểu thêm về công việc thực tế và nâng cao tay nghề. Thỏa thuận hợp tác ký kết ngày 29/10/2019 giữa trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp lớn như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Hyundai Vĩnh Yên, Tập đoàn Prime, Công ty TNHH Chính xác Việt Nam 1, Tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc, JHJ Group… đã đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động đào tạo nghề tại Vĩnh Phúc. Theo đó, lãnh đạo trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc cam kết cung ứng tối thiểu 21.500 lao động chất lượng cao thuộc các ngành Công nghệ ô tô, Điện tử - Điện lạnh, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Hàn… cho các doanh nghiệp trên trong giai đoạn 2020 – 2025. Đơn đặt hàng quy mô lớn này một mặt cho thấy uy tín, chất lượng của trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp nói riêng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung trong công tác đào tạo nghề, nhưng mặt khác cũng là thách thức đối với nhà trường trong việc đổi mới, kiện toàn chương trình giảng dạy để đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động mà các doanh nghiệp đã đặt ra. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình đào tạo trên các phương diện định hướng nghề nghiệp cho người lao động, tư vấn nội dung học tập, đánh giá năng lực học viên…
Mai Huyền
 
TAG: Việc Làm lao động Nhân Lực
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động