Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Vinataba: Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ
09:17 AM 24/02/2021
(LĐXH) - Trong 10 năm (2008 – 2020) qua, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyên nghèo và Công văn số 633/LĐTBXH-BTXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc nhận giúp đỡ các huyện nghèo.
Ông Hà Quang Hà, Tổng Giám đốc Vinataba và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cắt băng khánh thành Khu hiệu bộ Trường dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), công trình do Vinataba tài trợ

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phân công hỗ trợ 02 huyện nghèo là huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) và huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Đây là 2 huyện có vùng nguyên liệu thuốc lá của Tổng công ty, đó là điều kiện thuận lợi để Tổng công ty kết hợp tốt giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình với công tác xã hội theo sự phân công của Chính phủ.

Vì vậy, Tổng công ty luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, bằng những hành động thiết thực để hỗ trợ tại 2 huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) và huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) phát triển bền vững,  góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thông ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… Xác định đây là một chương trình có ý nghĩa chính trị - xã hội, nên Đảng ủy, Ban TGĐ Vinataba đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn được phân công. Việc giúp các địa phương xóa đói giảm nghèo vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa thể hiện tính xã hội cao trong hoạt động kinh doanh của Vinataba. Để chương trình hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực, Vinataba tổ chức nghiên cứu những tiêu chí về huyện nghèo mà Nghị quyết 30a đã xác định; tiến hành khảo sát, nắm vững đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu của các huyện mà Vinataba đảm nhiệm hỗ trợ; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, người lao động trong tiến hành công tác dân vận và đẩy mạnh các hoạt động xã hội.

Ngoài ra, Đảng ủy, BTGĐ Vinataba xác định: Việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ phải nằm trong chương trình tổng thể hoạt động của Tổng công ty;  quá trình tiến hành phải lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân công trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng, chi nhánh tại các địa phương, bảo đảm vừa phát huy được năng lực, hiệu quả SXKD, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết thực, chính đáng của những huyện nghèo mà Vinataba hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Vinataba có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tính chất, đặc thù, khả năng, thế mạnh của từng địa phương và doanh nghiệp, đáp ứng mục đích mà NQ30a đề ra, mang lại hiệu quả bền vững, thiết thực đối với người dân.

Ông Hà Quang Hòa – Tổng Giám đốc Vinataba cho biết: Được sự phân công của Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Vinataba đảm nhận giúp đỡ ở 2 huyện nghèo là huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) và huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Đây là những địa phương nằm trong 61 huyện nghèo của cả nước hiện nay, điều kiện KT-XH, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, đây cũng là 2 huyện có vùng nguyên liệu thuốc lá của Tổng công ty, đó là điều kiện thuận lợi để Tổng công ty kết hợp tốt giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình với công tác xã hội theo sự phân công của Chính phủ. Việc hỗ trợ 2 huyện nghèo này được thực hiện trên cơ sở Đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững các huyện nghèo (giai đoạn 2009 - 2020) của địa phương; theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ, không tạo ra sự khác biệt với đa số dân cư sống trong cộng đồng. Quá trình đó được triển khai theo một lộ trình thống nhất, với thời gian, tiến độ, giải pháp cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với tập quán, văn hóa, điều kiện của từng địa phương, hài hòa với cộng đồng dân cư. Để làm được điều đó, Vinataba đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Cao Bằng và  Ninh Thuận bàn bạc, trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch thực hiện; xác định nhu cầu, thứ tự ưu tiên đầu tư của tỉnh, huyện trong tổng thể hỗ trợ chung.  Đồng thời, Tổng Công ty đã thành lập Ban xóa đói giảm nghèo để trực tiếp theo dõi, triển khai các chương trình hỗ trợ cho 2 huyện này cũng như công tác ASXH khác.

Các đại biểu tham quan Khu hiệu bộ Trường dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), công trình do Vinataba tài trợ tại lễ khánh thành

Có thể nói, sau 10  năm thực hiện, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt kết quả đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững ở hai huyện nêu trên. Tính từ năm 2009 - 2020, Vinataba đã triển khai hỗ trợ cho 2 huyện nghèo Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) và  Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) để đầu tư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo đang theo học đại học, cao đẳng diện cử tuyển; phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế xã, thí điểm các mô hình sản xuất, chăn nuôi...với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng.  Cụ thể như: Tại huyệ Hà Quảng (tỉnh Ninh Thuận), giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã triển khai hỗ trợ  với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng, các chương trình như: Hỗ trợ kinh phí xây nhà ở thuộc đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (theo Quyết định số 167/CP của Chính phủ ), tổng số nhà là 534 căn nhà (với kinh phí hỗ trợ 1,60 tỷ đồng); xây dựng 18 căn nhà tình nghĩa (với kinh phí hơn 360 triệu đồng), xây dựng 2 trường tiểu học: 01 tại xã Lũng Nậm (với kinh phí 2 tỷ đồng) và xây dựng Trường Mầm non xã Đào Ngạn theo chuẩn Quốc gia (với Tổng kinh phí hỗ trợ 9,1 tỷ đồng). Hỗ trợ làm 71 km đường giao thông nông thôn huyện Hà Quảng với kinh phí 15,2 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên Tổng công ty cùng với CBNV thực hiện chương trình “tiếp sức đến trường”, tặng quà cho các học sinh nghèo, sửa lại nhà tạm trú cho giáo viên, xây dựng các mô hình sản xuất, mô hình phát triển làng nghề thí điểm trồng gấc, trao học bổng … với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Còn tại huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã triển khai hỗ trợ huyện Bác Ái với tổng kinh phí thực hiện hơn 31 tỷ đồng, với các chương trình, cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho các hộ gia định thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát theo QĐ số 167/CP của Chính phủ. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/căn (Năm 2013 nâng mức hỗ trợ 5 triệu đồng/căn). Số tiền còn lại để xây nhà từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân hàng phát triển nông thôn cho vay, hộ gia đình đóng góp. Đến hết năm 2013 huyện đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát theo quyết định 167 với  tổng số 1.493 căn nhà, tổng kinh phí hỗ trợ là 5,6 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các đình chính sách với kinh phí gần 4,1 tỷ đồng. Đoàn Thanh niên Tổng công ty cùng với CBNV thực hiện chương trình “tiếp sức đến trường”, tặng quà cho các học sinh nghèo, cấp học bổng cho học sinh- sinh viên nghèo đang học cao đẳng, đại học diện cử tuyển… với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 03 trạm y tế tại các xã các  Phước Thành, Phước Chính và Phước Trung, bao gồm cả trang thiết bị theo chuẩn Quốc gia với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng; Xây dựng mới 06 lớp học và sân vườn Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phước Thành B vời tông  kinh phí là hỗ trợ: 4.433,722 triệu đồng.

Song song đó, Tổng công ty còn hỗ trợ huyện Bác Ái xây dựng thành công 2 mô hình phát triển kinh tế: Làng nghề truyền thống đan lát tre lá, trồng lúa nước nhằm thực hiện chương trình định canh, định cư cho bà con người dân tộc, với kinh phí 0,75 tỷ đồng. Thí điểm đầu tư một mô hình nuôi dê lai sinh sản tại xã Phước Trung (bao gồm: con giống, đào tạo kỹ thuật và các hoạt động khác, với kinh phí hỗ trợ trên 381 triệu đồng. Năm 2018, Tổng công ty tiếp tục hỗ trợ cho 20 hộ nghèo tại 02 thôn của xã Phước Trung (100 con dê lai sinh sản với tổng kih phí 400 triệu đồng; Hỗ trợ 30 hộ nghèo tại xã Phước Thắng 30 con bò sinh sản với kinh phí 600 triệu đồng), tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 20 nhà tình nghĩa, với mức kinh phí 40 triệu đồng/căn; Xây dựng giai đoạn 2 - Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phước Thành B (xã Phước Thành), xây dựng mới khối hiệu bộ, nhà ăn, ở và nhà vệ sinh,…với kinh phí gần 6 tỷ đồng, tổng kinh phí cho cả các hạng mục chung trên 10,4 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam,  qua hơn 10 năm triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, Vinataba đã hỗ trợ trên 60 tỷ đồng cho huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với nhiều công trình thiết thực, gắn với người nông dân như hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa cho hộ chính sách; xây dựng các mô hình sản xuất, mô hình phát triển làng nghề, hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, tích cực cải thiện cơ sở kinh tế hạ tầng cho các huyện nói trên.

  Nguồn kinh phí tài trợ qua các năm đã được UBND hai huyện chỉ đạo triển khai thực hiện đúng mục đích và sử dụng có hiệu quả cho từng chương trình theo lộ trình của Đề án giảm nghèo đươc UBND hai huyện phê duyệt. Chính vì vậy, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn hai huyện được hỗ trợ có nhiều bước khởi sắc rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%; đời sống của người dân vùng miền núi ngày một ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần giúp huyện sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Kết quả đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Bác Ái còn ở mức 40,31%, giảm 13,55% so với năm 2009, trung bình hàng năm giảm 8%; tỷ lệ hộ nghèo Huyện Hà Quảng còn ở mức 36,22% (so với năm 2009 là 39,88%) trung bình hàng năm giảm trên 4%.

Các hạng mục hỗ trợ chăn nuôi của Tổng công ty trong thời gian vừa qua đáp ứng được nhu cầu sử dụng của địa phương và giúp đồng bào dân tộc tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phát triển chăn nuôi, dần ổn định cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ thoát nghèo bền vững, đồng thời giúp đỡ được nhiều hộ gia đình cùng tham gia. Các dự án chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả góp phần tạo ra xu hướng mới cho ngành chăn nuôi của huyện, là cơ sở từng bước đưa lĩnh vực này trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cao, những năm qua, việc giúp các địa phương giảm nghèo của Vinataba theo NQ30a của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Kết quả của việc gắn nhiệm vụ SXKD với thực hiện chính sách xã hội là minh chứng sinh động cho tính nhân văn và sự đúng đắn trong quan điểm, nguyên tắc kinh doanh của Vinataba. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, các huyện nghèo mà Vinataba tham gia giúp đỡ trong giai đoạn qua đã có cơ hội để phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đưa ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường; nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới được hoàn thành; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

 

 

 

 

TAG: 10 năm nhìn lại thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ vinataba Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024