Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Việt Nam xếp thứ 41/88 quốc gia về kỹ năng tiếng Anh toàn cầu
04:56 PM 14/11/2018
(LĐXH) - Theo Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên toàn cầu đã được EF Education Fist (tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới về ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa) vừa công bố, Việt Nam xếp thứ 41/88 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu tham gia đánh giá và đứng thứ 7/21 quốc gia Châu Á tham gia đánh giá.
Bảng xếp hạng dựa trên  cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ trên 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 8 quốc gia so với năm 2017. Đây là lần thứ 4, trong vòng 8 năm, Thụy Điển là quốc gia xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của EF EPI. Năm ngoái, Hà Lan là quốc gia xếp hạng cao nhất, năm nay quốc gia này xếp thứ hai. Riêng Việt Nam xếp thứ 41 trên tổng số 88 với chỉ số thông thạo ở mức trung bình.
Trong 21 quốc gia ở Châu Á tham gia xếp hạng, thì đứng đầu là Singapore. Quốc gia này cũng đứng thứ 3/88 thứ hạng thế giới. Tiếp sau đó là Philippines; Malaysia; India; Hong Kong; Hàn Quốc.Việt Nam được xếp thứ 7.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm nay là: Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về mức độ thông thạo tiếng Anh ngữ với 8/10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng. Singapore trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên lọt vào top 3 bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các quốc gia trong châu Á có sự phân hóa lớn về trình độ. Việt Nam xếp thứ 7 trên tổng số 21 quốc gia Châu Á tham gia khảo sát.
Trong khi đó, Châu Phi thể hiện sự tiến bộ về thông thạo tiếng Anh hơn những châu lục khác, với Algeria, Ai Cập, Nam phi tăng từ 2 điểm trở lên. Châu Mỹ La Tinh là châu lục duy nhất có chỉ số thông thạo Anh ngữ giảm nhẹ điểm số.
Cũng theo báo cáo, từ năm 2011-2015, Việt Nam thể hiện mức tăng trưởng rõ rệt qua từng năm và Việt Nam đã đi từ mức “rất thấp” đến “trung bình” từ năm 2016.
Trong năm 2018, báo cáo mở rộng phạm vi đánh giá trên 5 tỉnh/ thành gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Hải Phòng; Cần Thơ thay vì chỉ đánh giá ở Hà Nội và TP HCM như trước. Nếu so sánh trên cùng phạm vi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt Nam tăng từ 54,6 lên 55,45 điểm. Điều này cho thấy đã có sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh ở Việt Nam so với năm trước. Tuy nhiên, về mặt chiến lược lâu dài, làm thế nào để trình độ Anh ngữ của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc vẫn đang là câu hỏi.
Báo cáo EF EPI dựa trên kết quả bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn của EF (EF SET), bài kiểm tra chuẩn hóa Anh ngữ miễn phí diện rộng của EF đã được hàng nghìn trường học, doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu sử dụng.
Dạy Tiếng Anh cho học sinh tiểu học.
(Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Trần N Minh, Giám đốc nghiên cứu cấp cao EF cho biết, chỉ số EF EPI chỉ ra rằng các quốc gia và các cá nhân tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo tiếng Anh do nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Ông Minh N.Tran nhận định có ba lý do giúp Singapore lọt vào top 3. Thứ nhất là nhờ tầm nhìn của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu. Ngay khi giữ chức Thủ tướng của Singapore vào năm 1959, ông đã quyết định tất cả người dân Singapore phải nói tiếng Anh và ngay sau đó các trường học ở đảo quốc này đều dạy bằng tiếng Anh thay vì tiếng mẹ đẻ.
Thứ hai là Singapore tập trung đầu tư cho giáo viên. Ở Singapore, các ngành sư phạm chỉ tuyển những người tài năng nhất ở các trường trung học phổ thông. Họ chỉ tuyển học sinh ở top 30% và ngay cả những người trong top này cũng phải cạnh tranh nhau với tỷ lệ khoảng 1 chọi 8 mới có thể vào trường sư phạm. Khi đã theo học ngành này, mọi chi phí đào tạo được chính phủ chi trả.
Thứ ba, Singapore vẫn đang đầu tư, cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy, công nghệ thông tin trong trường lớp dù tiếng Anh đã là ngôn ngữ thông dụng.
"Nhờ ba điều trên, Singapore đạt chỉ số thông thạo tiếng Anh cao. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Vì quá chăm chú vào tiếng Anh, người dân của họ dần quên đi tiếng mẹ đẻ", ông Minh N.Tran nói và cho biết đến năm 2011, chỉ khoảng 10% học sinh Singapore giỏi hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ.
Trước chia sẻ của chuyên gia quốc tế, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Nội), chỉ ra những rào cản đối với việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, gồm việc tuyển dụng giáo viên, ưu đãi đối với nghề giáo, chương trình học tiếng Anh hay điều kiện cơ sở vật chất.
Dù vậy, nhà trường vẫn cố gắng đưa ra những biện pháp để cải thiện khả năng tiếng Anh của cả giáo viên và học sinh, như: liên kết với các trung tâm có thể dạy bổ trợ tiếng Anh, sẵn sàng đón tiếp các đoàn tình nguyện từ nước ngoài, mời giáo viên bản xứ, hay cho học sinh tham gia khóa học hè để nâng cao khả năng ngôn ngữ ở nước ngoài...
Bà Yến cho biết nhà trường đang cố gắng thay đổi nhận thức của phụ huynh để họ đồng hành trong việc học tiếng Anh của con; đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi nhận thức của chính giáo viên để họ hiểu rằng dạy để ứng thí là chưa đủ.
 
EF Education First thành lập năm 1965, là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa. Chỉ số EF EPI (EF English Proficiency Index) dựa trên dữ liệu kiểm tra của những người đã làm Bài kiểm tra Anh ngữ Tiêu chuẩn EF (EF SET), bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa miễn phí đầu tiên trên toàn thế giới.
Năm 2018, chỉ số EF EPI được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người tham gia bài kiểm tra EF SET. Việt Nam có hàng chục nghìn người tham gia trên tinh thần tự nguyện.
 
Thảo Lan
TAG: EF Education Fist Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên kỹ năng tiếng Anh toàn cầu Việt Nam
Tin khác
Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh
Những hạn chế trong định hướng nghề nghiệp tại nhà trường
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp