Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới
08:39 PM 18/11/2020
(LĐXH) Ngày 17/11/2020, tại Hà Nội, Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin về Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. Năm 2020 là dịp kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (1990-2020).
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới. Theo đó, 4 nước: Anh, Đức, Thụy Sĩ và Việt Nam có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.
Ở nước ta, người đầu tiên nhiễm HIV vào năm 1990 là một phụ nữ sống tại thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang sống khỏe mạnh và làm việc bình thường nhờ tuân thủ điều trị tốt. Đây là một trong những trường hợp minh chứng cho chất lượng điều trị tại Việt Nam. Với người nhiễm HIV, nếu được tiếp cận điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt thì CD4 sẽ đạt dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không làm lây truyền HIV, sống khỏe mạnh và tăng tuổi thọ và tuổi thọ có thể đạt gần như người bình thường. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm (thông qua xét nghiệm), điều trị sớm và tuân thủ điều trị là rất quan trọng.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh thông tin về quá trình phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là các sự kiện nổi bật trong năm 2020. Trong đó,  đáng chú ý là dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm; dịch vụ xét nghiệm HIV được mở rộng và đa dạng hơn, góp phần phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm… Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS đã được tăng cường; công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có 52.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao….
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS
Bên cạnh đó, việc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tốt. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt, hiện có hơn 153.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế…Tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và dưới 200 bản sao/ml được duy trì cao qua các năm. Tỷ lệ ức chế tải lượng HIV ở người đang điêu trị thuốc ARV cao, sau 12 tháng điều trị ARV là 95,5% và sau 48 tháng là 96,1%, cao hơn các quốc gia khác…
Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV được mở rộng. Nếu như 2005, tiêu chuẩn điều trị TCD4 ≤ 200 TB/mm3, năm 2009 TCD4 ≤ 250,  năm 2011 TCD4 ≤ 350, năm 2015 TCD4 ≤ 500 và hiện nay điều trị ARV không phụ thuộc vào tế bào TCD4 và giai đoạn lâm sàng. Thời gian được điều trị thuốc ARV được rút ngắn từ khi có kết quả khẳng định và từ khi đủ tiêu chuẩn điều trị, giảm từ 350 ngày xuống 1 ngày- Điều trị ARV trong ngày. Số bệnh nhân được điều trị ARV tăng 55 lần so với năm 2005.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi; xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm quan hệ đồng giới nam đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều sự thay đổi, thiếu tại các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện do việc thành lập, sát nhập Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Một số cán bộ đã được các chương trình, dự án HIV/AIDS đào tạo nay chuyển công tác khác. Việc khó khăn về tài chính cũng gây trở ngại, thách thức lớn bởi kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2005 – 2020 chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Đến nay, nguồn kinh phí viện trợ đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt này.
Về Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được hiểu là số ca nhiễm HIV mới được phát hiện ít hơn 1.000 người/năm; tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS ít hơn 1,0/100.000 dân; HIV/AIDS không còn là mối lo ngại về sức khỏe của cộng đồng. Để hướng tới mục tiêu đó, trước hết cần thực hiện mục tiêu 95 – 95 – 95 vào năm 2030 (95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV; 95% người nhiễm biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị, giám sát, theo dõi, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tài chính, đảm bảo nguồn nhân lực, cung ứng và hợp tác quốc tế...
Kể từ người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm ứng phó với HIV/AIDS. Đó cũng là lý do Tháng hành động năm nay tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 là dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại thành quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong 30 năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý báu.
Theo Ban tổ chức, Tháng hành động năm nay có nhiều hoạt động thiết thực với điểm nhấn là Hội nghị Tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam kết hợp mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Có khoảng 300 đại biểu khách mời dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.
Trong Tháng hành động, ngành chức năng tổ chức tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội).
Thảo Lan

TAG: Việt Nam 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế
Tin khác
Gala Nhân ái 2024: Hành trình 20 năm sẻ chia hy vọng, nâng bước tương lai
Việt Nam có đủ vắc xin phòng bệnh não mô cầu cho trẻ em và người lớn
Nguy cơ thừa cân, béo phì từ sử dụng đồ uống có đường
Hội Nam y Việt Nam khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân tỉnh Gia Lai
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực tim mạch, ung thư, y tế thông minh, du lịch y tế
Khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái
Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ
Giải pháp nào để đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế?
Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non