Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người
06:31 PM 24/07/2019
(LĐXH)-Ngày 23/7/2019, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14- Nhóm Công tác của Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia (AHG SOM 14) do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Tham dự hội nghị có 120 đại biểu đến từ các nước thành viên Nhóm Công tác của Tiến trình Bali và các quan sát viên. Đây là lần đầu tiên hội nghị hội tụ đầy đủ các nước thành viên Nhóm Công tác và các quan sát viên với số lượng đại biểu đông nhất từ trước cho đến nay.
Tiến trình Bali là tiến trình liên chính phủ về phòng, chống đưa người trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia do Chính phủ Australia và Indonesia đồng khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 2/2002 tại Bali, Indonesia.
 
Phiên Khai mạc Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 14 Nhóm công tác Tiến trình Bali.
Mục tiêu của Tiến trình là tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm hợp tác trong vấn đề biên giới và hệ thống thị thực để phát hiện và loại trừ di cư trái phép; tăng cường nhận thức chung để giảm thiểu việc di cư trái phép và mua bán người cũng như cảnh cáo các đối tượng dễ bị ảnh hưởng; cung cấp những hỗ trợ và bảo vệ thích hợp cho các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; chia sẻ thông tin tình báo và các thông tin có liên quan một cách hiệu quả.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này kể từ khi tham gia Tiến trình Bali vào tháng 2/2002.
Tiến trình Bali gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và 27 quan sát viên.
Trong số các tiến trình đa phương về di cư, Tiến trình Bali được thừa nhận là hình mẫu hợp tác khu vực thành công về phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người. Trong quá trình hình thành và phát triển, Tiến trình Bali đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, làm việc, trong đó có Nhóm công tác (được thành lập năm 2009) nhằm xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thực tiễn, góp phần tăng cường hợp tác giải quyết nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Tiến trình Bali đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên và tăng cường các hành động tập thể trong cuộc đấu tranh chung với nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người. Đây được coi là cơ chế hiệu quả để hợp tác giải quyết các thách thức của di cư trên bình diện khu vực và toàn cầu khi 70,8 triệu người buộc phải di cư. 
Việt Nam là đất nước tham gia Tiến trình Bali ngay từ ngày đầu, Việt Nam thường xuyên tham gia các nhóm làm việc về phòng, chống mua bán người, trấn áp triệt phá mạng lưới mua bán người và đưa người di cư trái phép. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 14 này là dịp để Việt nam khẳng định nỗ lực của mình trong vai trò thành viên tích cực của Tiến trình Bali.  
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam nêu rõ, Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người. Trong quản lý di cư, Việt Nam lấy phòng ngừa làm yếu tố nền tảng và coi thúc đẩy di cư hợp pháp là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn di cư trái phép.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực và thế giới nhằm tạo nên sức mạnh toàn diện góp phần đẩy lùi nạn di cư trái phép và mua bán người. Việt Nam coi trọng Tiến trình Bali và luôn đóng góp tích cực đối với mọi hoạt động của tiến trình kể từ khi tham gia và trở thành thành viên nhóm công tác tại Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 5, năm 2011.
Theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, “Trên cơ sở nhận thức chung đạt được từ Hội nghị lần trước, Việt Nam hy vọng tại Hội nghị lần này, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp vào chiến lược hợp tác trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự kết nối của Tiến trình Bali trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu nhất là trong bối cảnh Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự được Liên hợp quốc thông qua vào tháng 12/2018. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững”, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao bày tỏ kỳ vọng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bryce Hutchesson, Chủ tịch Tiến trình Bali, Đại sứ đặc trách phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và trong quan hệ hợp tác với các nước thành viên Tiến trình Bali. Tiến trình Bali tập hợp các nước có nhiều quan tâm và thách thức khác nhau nhưng cùng chung chia sẻ và trách nhiệm nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu này thông qua đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và xây dựng năng lực.
Ông Bryce Hutchesson cho biết, để thúc đẩy sự kết nối và tăng cường sự tham gia của các nước thành viên, đến nay, Tiến trình Bali đã xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác như Diễn đàn Doanh nghiệp và Chính phủ để thảo luận việc phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép trong lĩnh vực lao động đặc biệt là Văn phòng Hỗ trợ khu vực trong năm qua đã tổ chức 18 hoạt động với hơn 500 đại biểu tham dự đến từ hơn 40 nước thành viên.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp tục 4 phiên thảo luận nhằm rà soát kết quả của Tiến trình Bali kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 7 (tại Bali, Indonesia, ngày 6/8/2018), đánh giá tình hình đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trao đổi về tăng cường sự kết nối của Tiến trình Bali với các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu như ASEAN, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) và định hướng ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Hội nghị quan chức cao cấp Nhóm Công tác Tiến trình Bali được tổ chức thường niên nhằm rà soát, đánh giá tính hiệu quả các hoạt động của Tiến trình để báo cáo tại Hội nghị cấp Bộ trưởng, diễn ra hai năm một lần./.

PV
 
TAG: Tiến trình Bali về phòng chống đưa người di cư trái phép mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia Tiến trình Bali bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024