Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Công bố Báo cáo nghiên cứu “Trẻ em ngoài nhà trường”
03:03 PM 23/01/2018
(LĐXH) - Nghiên cứu “Trẻ em ngoài nhà trường” là sáng kiến toàn cầu do UNICEF và Viện thống kê UNESCO khởi xướng, có giá trị khoa học, đưa đến một phương pháp tiếp cận mới, có ý nghĩa quan trọng trong hành động thúc đẩy việc mở rộng cơ hội cho mọi trẻ em được đến trường. Với sự hỗ trợ của văn phòng UNICEF Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia vào sáng kiến này từ năm 2012. "Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016" là Báo cáo cập nhật của “Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2013”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao tính nghiêm túc và cập nhật của báo cáo

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, đây là báo cáo phân tích nghiêm túc và có tính cập nhật.  Báo cáo sử dụng số liệu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 làm nguồn số liệu duy nhất, đối chiếu với số liệu của Tổng Điều tra dân số 2009. Trẻ em ngoài nhà trường trong Báo cáo này được phân tích theo các đặc điểm, gồm: độ tuổi, giới tính, dân tộc, thành thị, nông thôn, tình trạng khuyết tật và tình trạng di cư. Báo cáo phân tích chung cả nước và 6 tỉnh, thành phố được chọn để phân tích sâu, gồm: Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, Thành phố Hồ Chi Minh, Đồng Tháp và An Giang.  

Số liệu báo cáo cho thấy số trẻ em ngoài nhà trường năm 2014 là 715.400 em (tương ứng 5,1%) giảm 1/3 so với năm 2009 (1.127.345 em). Phân tích cho thấy xu hướng trẻ em ngoài nhà trường giảm ở hầu hết các phân tổ, các độ tuổi khẳng định mạnh mẽ thành quả của Việt Nam và tác động tích cực của chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tiến đến đảm bảo quyền giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em. Bên cạnh đó, qua phân tích sâu theo vùng, nhóm mức sống và đi vào các phân tổ cụ thể, cho thấy tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường một số nhóm còn cao như trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất, trẻ em các vùng khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số. Trong khi tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm đáng kể ở độ tuổi 5 tuổi và tiểu học, tỷ lệ này còn cao ở độ tuổi trung học cơ sở.

Quyền Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Nghiên cứu cũng chỉ ra, tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường đã giảm đáng kể so với năm 2009. Dân tộc Khmer và Mông tuy có tiến bộ đáng kể sau 5 năm, nhưng vẫn có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất so với các nhóm dân tộc khác. Nghiên cứu còn cho thấy có sự khác biệt lớn về trẻ em ngoài nhà trường giữa nhóm hộ gia đình nghèo nhất và giàu nhất, đặc biệt càng ở cấp học cao hơn sự khác biệt này càng lớn. Ở độ tuổi 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của nhóm hộ nghèo nhất cao hơn nhóm giàu nhất gần 3 lần, ở độ tuổi tiểu học là 5,5 lần và ở độ tuổi trung học cơ sở là 10 lần. Trẻ em độ tuổi tiểu học và THCS ở nông thôn đều thiệt thòi hơn ở thành thị ở tất cả các vùng, trong đó thiệt thòi nhất là trẻ em nông thôn của 2 vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhóm trẻ em di cư luôn có tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn so với nhóm không di cư và sự khác biệt cũng tăng khi độ tuổi tăng. Ở các gia đình di cư, tỉ lệ trẻ em không đi học cao hơn ở các gia đình không di cư 1,2 lần ở độ tuổi mầm non 5 tuổi, 1,6 lần ở độ tuổi tiểu học, và 1,7 lần ở độ tuổi THCS.

“Đây là thực trạng bất bình đẳng còn tồn tại mà ngành cần quan tâm để bảo đảm quyền học tập của trẻ em thiệt thòi. Dù về mặt thời điểm số liệu 2014, nhưng các phân tích về rào cản, vướng mắc kể cả các khó khăn trong quản lý, thực thi chính sách là từ khảo sát 2016,  vẫn có giá trị tham chiếu cho thực trạng của các nhóm trẻ em này và công tác quản lý của ngành. Đây là cơ hội để các cấp quản lý có sự nhìn nhận nhằm điều chỉnh, bổ sung các chính sách hướng tới bình đẳng giáo dục cho các trẻ em thiệt thòi, phù hợp với định hướng thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Số liệu báo cáo cho thấy tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở lứa tuổi 5-14 tuổi giảm rõ rệt, trong đó giảm mạnh nhất là ở độ tuổi mầm non 5 tuổi

Việt Nam đã đạt được những thành quả giáo dục rất đáng khích lệ về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đã cam kết thực hiện chương trình nghị sự Mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, báo cáo cung cấp minh chứng để tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế, công tác chỉ đạo quản lý để giảm bớt các rào cản và bảo đảm quyền học tập của mọi trẻ em. Theo đó, mặc dù có xu hướng giảm, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường gồm trẻ em ở độ tuổi 5 đến 14 tuổi chưa từng đi học hoặc đã từng đi học nhưng bỏ học vẫn cao hơn giữa các nhóm trẻ thiệt thòi như trẻ em gái dân tộc thiểu số và trẻ em thuộc các gia đình nghèo. Quan trọng hơn là nhóm trẻ ở độ tuổi THCS có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cũng như tỷ lệ bỏ học cao hơn, phản ánh nhu cầu cấp bách phải có các biện pháp về mặt hệ thống nhằm thu hẹp khoảng cách ở bậc học quan trọng này; nếu không, trẻ em sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ cơ hội quan trọng để phát triển kỹ năng và năng lực. Đồng thời, các em cần được trải nghiệm để học hỏi các kỹ năng của thế kỷ 21 là nền tảng cốt lõi giúp các em có thể có khả năng có tìm việc làm trong tương lai và góp phần phát triển đất nước.

Nhiều Bộ ngành tham gia hội thảo

Kể từ khi phổ biến các bằng chứng lần đầu tiên về trẻ em ngoài nhà trường dựa trên số liệu Tổng Điều tra dân số 2009, nhận thức về các vấn đề này đã có sự gia tăng, cũng như các hành động cụ thể về hoạch định chính sách, quản lý trường học, công tác lập kế hoạch ngành giáo dục dựa trên quyền và theo dõi hiện trạng qua dữ liệu thống kê định kỳ và sự tham gia ở các diễn đàn cấp khu vực nhằm chia sẻ các thực tiễn tốt của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các quan hệ hợp tác. “Với những hiểu biết mới từ Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014, chúng tôi kêu gọi duy trì cam kết đảm bảo theo dõi bình đẳng giáo dục một cách hệ thống và bổ sung các khoảng trống về chính sách, quản lý và tài chính giáo dục, hướng tới bình đẳng với mục tiêu tăng nhanh tiếp cận giáo dục cho các nhóm trẻ em đang bị bỏ lại phía sau, như đã phản ánh trong báo cáo nghiên cứu”, Yoshimi Nishino, Quyền Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Đăng Doanh

TAG: Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường Trẻ Em trẻ em ngoài nhà trường Luật trẻ em công ước quốc tế về quyền trẻ em
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công