Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Vay tiêu dùng: hãy cân nhắc rủi ro
12:32 PM 30/05/2018
Với ưu điểm cho vay nhanh và dễ dàng, không cần thế chấp, cho vay tiêu dùng tín chấp là một giải pháp tài chính đã và đang giúp rất nhiều người dân dưới chuẩn cho vay của ngân hàng tiếp cận các dịch vụ cho vay được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến các sản phẩm cho vay tiêu dùng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cả các ngân hàng, công ty tài chính, cơ quan quản lý và người đi vay.
Bất cân xứng thông tin
Theo báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, các khiếu nại, phản ánh của người đi vay thường tập trung vào các vấn đề: (1) Công ty tài chính cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ, rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; (2) Không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng tại thời điểm ký kết; (3) Đe dọa, quấy rối người tiêu dùng khi nhắc, thu hồi nợ; (4) Gói dịch vụ cho vay tiêu dùng 0% lãi suất. Các vấn đề trên thực chất xoay quanh việc bất cân xứng thông tin giữa người đi vay và người cho vay.
Nguyên nhân bất cân xứng thông tin xuất phát từ cả hai phía. Các nhân viên tư vấn có thể không tư vấn đầy đủ cho khách hàng vay hoặc tư vấn nhưng không thực sự quan tâm khách hàng có hiểu đúng và đủ các nội dung cần thiết hay không. Về phía khách hàng, đa số khách hàng khi vay đều tập trung vào số tiền phải trả hàng tháng mà không mấy quan tâm tới các điều khoản khác. Mặc dù trước khi ký kết hợp đồng, hầu hết các công ty tài chính đều có nhân viên tư vấn kỹ lưỡng về điều kiện, phương thức thanh toán, lãi suất, phí phạt... song khách hàng đa phần chỉ nghe cho... đủ thủ tục và hiếm khi ghi nhớ về những điều khoản quan trọng này. Chỉ đến khi không may xảy ra sự cố trong quá trình trả góp khoản vay, họ mới cảm thấy “bất ngờ”.
Tuyệt đối không nên để sự dễ dàng của việc đi vay làm mình thiếu cân nhắc, vay khi không thật sự cần thiết hoặc vay quá khả năng chi trả.
Hiểu lầm thường gặp nhất của khách hàng là về lãi suất, theo đó khách hàng không phân biệt được sự khác nhau giữa hai cách tính lãi suất: theo số dư ban đầu và theo số dư giảm dần. Đối với các khoản vay thông thường, các ngân hàng thường tính tiền lãi theo số dư giảm dần. Đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp, do lãi suất cho vay tính theo số dư giảm dần rất cao (có thể lên đến 40-50%/năm) nên nhân viên tư vấn thường tư vấn số tiền trả lãi hàng tháng theo số dư ban đầu (khoảng 1-2%/tháng) để dễ dàng được khách hàng chấp nhận. Do số tiền vay khá nhỏ nên nhiều khách hàng không quan tâm đến cách tính lãi suất và lãi suất cao hay thấp mà chỉ xem xét khả năng thanh toán hàng tháng có phù hợp với tình hình tài chính của mình hay không.
Các khách hàng vay tiêu dùng cũng thường ít quan tâm đến các vấn đề khác như phương thức thanh toán, phí phạt và các hệ lụy nếu không thực hiện đúng cam kết trả nợ. Theo quy định, lịch trả nợ định kỳ phải được nêu rõ trong hợp đồng. Nếu trả nợ trễ so với lịch, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phát sinh gọi là lãi phạt chậm trả nợ. Một số ngân hàng hoặc công ty tài chính có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ dựa trên khả năng trả nợ, tuy nhiên, càng trả chậm, lãi phạt càng cao.
Không chỉ bị phạt khi chậm trả, nếu muốn thanh toán sớm hơn lịch trả nợ, khách hàng cũng phải đóng một khoản phí phạt trả nợ trước hạn (khoảng 3-5% số nợ trả trước hạn). Đây là khoản phí được cho là để bù đắp tổn thất sắp xếp vốn của ngân hàng hoặc công ty tài chính. Khi ký kết hợp đồng vay, công ty tài chính kỳ vọng có thể thu lãi trong suốt khoảng thời gian vay, nhưng vì khách hàng trả nợ sớm nên nguồn vốn dư ra không sinh lãi, hoặc công ty tài chính phải tốn chi phí tìm kiếm người vay mới.
Người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay. Ảnh: THÀNH HOA
Cho vay bằng niềm tin, đòi nợ đánh vào uy tín
Báo cáo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam trong những năm gần đây đang ghi nhận số lượng lớn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hành vi thu hồi nợ của các bên liên quan, trong đó, phổ biến là việc người đi vay, bạn bè, người thân của người đi vay liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung đe dọa, quấy rối, làm phiền.
Thực tế, đây chính là phương pháp thu hồi nợ hữu hiệu của các công ty tài chính trong điều kiện giải pháp kiện tụng tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Nếu như ngân hàng cho vay thế chấp có chiếc phao tài sản bảo đảm để bấu víu nếu khách hàng không trả nợ thì đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp, các công ty tài chính cho vay dựa trên uy tín nên khi khách hàng quá hạn thì cũng tập trung đánh vào uy tín của khách hàng. Còn cách nào tốt hơn để đánh vào uy tín của một người bằng việc thông báo với gia đình, bạn bè, nơi làm việc, nơi cư trú của người ấy rằng họ đang chây ì trả nợ? Nếu đã thông báo mà vẫn chưa thu được nợ thì thông báo lần hai, lần ba, đến lúc khách hàng và người thân quá ngán ngẩm phải trả nợ mới thôi. Phương pháp thông báo, nhắc nợ có sự khác nhau giữa từng nhân viên và ranh giới giữa việc nhắc nợ với quấy rối, đe dọa đối với khách hàng là rất mong manh.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Để tránh rủi ro đáng tiếc khi thực hiện các khoản vay tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín. Song song đó, người đi vay cần tính toán thật cẩn thận khả năng trả nợ, cũng như sự cần thiết của khoản vay. Tuyệt đối không nên để sự dễ dàng của việc đi vay làm mình thiếu cân nhắc, vay khi không thật sự cần thiết hoặc vay quá khả năng chi trả.
Giao dịch tài chính là một hoạt động bao gồm nhiều nội dung phức tạp, có tính chuyên môn cao. Hợp đồng tín dụng thường dài và có nhiều thuật ngữ có thể dẫn đến trường hợp khách hàng chỉ đọc lướt qua, không hiểu hết hoặc hiểu lầm. Do đó, trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính, đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa. Người đi vay có quyền hỏi kỹ nhân viên tư vấn, có trách nhiệm đọc thật kỹ nội dung hợp đồng; điểm nào chưa rõ cần hỏi ngay lại nhân viên tư vấn hoặc tổng đài các công ty tài chính để được giải thích chi tiết.
Cuối cùng và quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, nhằm tránh việc trả nợ trễ hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng trả nợ.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
TAG: vay tiêu dùng vay tiêu dùng tín chấp dịch vụ cho vay bao
Tin khác
1.500 gian hàng thuộc hơn 400 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2024 lần thứ nhất
L’Oréal được vinh danh lần thứ 15 là một trong các Công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới
Mastercard giúp việc chuyển tiền quốc tế đến ví điện tử Alipay trở nên thuận lợi và an toàn
Siêu sao bóng đá người Na Uy đồng hành cùng nhãn hiệu “Seafood from Norway”
Miễn phí camera an ninh cho toàn bộ khách hàng dùng Internet Viettel
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024: Sân chơi trí tuệ thúc đẩy các ý tưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Amway Việt Nam đồng hành cùng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024
LC Foods tiếp tục nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024
Lần đầu tiên, Việt Nam có sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị với quỹ đầu tư đóng góp vào phát triển bền vững