An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổng kết công tác năm 2018
09:22 AM 28/12/2018
(LĐXH) - Sáng ngày 27/12/2018, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường kỳ tổng kết nhiệm vụ năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể là thành viên của Ủy ban.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam cho biết: Năm 2018, Chính phủ và các bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với NKT trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, các tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, quyết định điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT như chính sách trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm giá vé khi tham gia giao thông.


Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi báo cáo tại hội nghị
Trong công tác tuyên truyền, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thực hiện công tác trợ giúp đời sống, cải thiện sinh hoạt cho NKT, năm 2018, tổng ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT) và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT theo Thông tư 42. Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức triển khai Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có NKT.
Thống kê đến nay, cả nước có trên 1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 100 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, trong năm 2018, các tổ chức của NKT đã tích cực vận động xã hội, huy động nguồn lực để hỗ trợ cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho NKT. Trong công tác chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe, cả nước đã có 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển công tác phục hồi chức năng đến năm 2020; 36 tỉnh, thành phố tiến hành khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi của NKT...

Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến đóng góp như: Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cốt lõi của vấn đề là sau khi được đào tạo, NKT phải được tiếp cận với công ăn việc làm. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo cơ hội để NKT có thể tiếp cận với công ăn việc làm trong phạm vi có thể. Nhiều bộ, ngành chưa có đầu mối theo dõi công tác trợ giúp NKT nên rất khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo chung. Mặt khác, việc lập kế hoạch và dự toán hàng năm đang lệch nhau, nhiều bộ, ngành không biết lập, không bố trí ngân sách hoặc bố trí rất ít cho công tác NKT. Về công tác dạy nghề, tạo việc làm, hiện ngân sách không bố trí cho các hội, trong khi địa phương cũng không bố trí.
Thêm vào đó, trong báo cáo của Ủy ban đã nêu các kết quả cụ thể song chưa gắn với việc kiểm điểm các chỉ số theo mục tiêu công tác trợ giúp NKT đặt ra như. Việc thực hiện điều tra NKT năm 2016 song đến thời điểm này chưa hoàn thành. Các đại biểu nêu lên một số kiến nghị như hoàn thiện website của Ủy ban để công bố, công khai báo cáo của các thành viên Ủy ban trên website; năm 2020 là năm có cột mốc quan trọng đối với NKT là kỷ niệm 40 năm ngày NKT Việt Nam, đồng thời cũng là năm đến đích của một số đề án, luật NKT, nên đề nghị Văn phòng Ủy ban xây dựng đề án tổ chức diễn đàn về NKT vào năm 2020. Đây là một hoạt động quy mô, là diễn đàn chứ không phải là một hội nghị, hội thảo, nên hiệu quả hoạt động sẽ được đẩy mạnh, thu hút được nhiều tổ chức trong và ngoài nước tham gia; trong năm 2019, cần tổ chức các đoàn kiểm tra theo 3 chuyên đề là tiếp cận giao thông, xây dựng đối với NKT; giáo dục hòa nhập; phục hồi chức năng để chúng ta có được những thông tin ban đầu làm phục vụ công tác tổng kết năm 2020 đối với các đề án NKT đến đích.

Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam khẳng định, quan điểm của Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đến NKT. Trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước hầu hết đều nêu sự quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT. Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1717/QĐ- TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam với 19 thành viên cơ cầu đầy đủ các bộ, ngành, lĩnh vực nhằm chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT vươn lên. Ngoài ra, trong mỗi thời kỳ, đều ban hành mới và điều chỉnh nhiều chính sách về NKT phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định hỗ trợ cho NKT tham gia xã hội.
Thứ trưởng cũng ghi nhận kết quả đáng khích lệ của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam đạt được trong năm 2018 và đánh giá cao vai trò của các ủy viên Ủy ban trong các hoạt động điều phối. Đồng thời cho rằng, nhận thức về NKT ở trung ương và địa phương được nâng lên, tiếng nói của NKT ngày càng mạnh mẽ. Cùng với đó, các công trình công cộng tiếp cận cho NKT dần được chủ đầu tư quan tâm; phúc lợi xã hội, cơ chế chính sách cho NKT được chú trọng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng cũng chỉ ra một số hạn chế về công tác trợ giúp NKT trong năm 2018 cần khắc phục là: Có những việc trong Luật, Nghị định đã quy định nhưng việc triển khai chưa đồng bộ, kịp thời. Số lượng NKT của nước ta rất lớn cần phải có những giải pháp, hành động quyết liệt thì mới góp phần hạn chế tình trạng khuyết tật. Đời sống của NKT gặp nhiều khó khăn; công tác dạy nghề, tạo việc làm cơ chế chính sách, hệ thống vận hành chưa đồng bộ; nguồn lực dành cho công tác NKT được các bộ ngành quan tâm song còn phân tán, tản mạn.
Thứ trưởng cũng đề nghị để thực hiện tốt công tác trợ giúp NKT trong thời gian tới cần tranh thủ nguồn lực xã hội dành cho NKT; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyền thông, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với NKT như y tế, giáo dục, quan tâm tới đối tượng tự kỷ; Chú trọng công tác giáo dục hòa nhập, kiện toàn bộ máy Ủy ban. Đặc biệt, sau hội nghị này, Văn phòng Ủy ban cần tham mưu cho Ủy ban thường trực có văn bản đối với những đơn vị Luật đã quy định  mà hiện chưa triển khai./.
Hồng Phượng
TAG: người khuyết tật ỦY ban Quốc gia Người khuyết tật
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin