An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2018
06:37 AM 14/07/2018
(LĐXH) Sáng ngày 13/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường kỳ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Tham dự, có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Ủy ban; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban, cùng đại diện một số bộ, ngành, hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến NKT.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết: Thực hiện Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 06/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam và Chương trình công tác năm 2018, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với NKT. Trên cơ sở đó, các địa phương đã ban hành các nghị định, quyết định điều chỉnh chính sách trợ giúp đối với NKT.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi báo cáo kết quả hoạt động tại hội nghị
Năm 2018, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ- CP trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng). Ngoài ra, ngân sách cũng cấp 299 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT theo Thông tư số 42. Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với một số Bộ, ngành, tổ chức triển khai thực hiện Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2018 thông qua các hoạt động: Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên CTXH và tâm thần; truyền thông, nghiên cứu đánh giá, giám sát.
Đến nay, cả nước có gần 900 NKT nặng và đặc biệt nặng; 70 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Thực hiện công tác đào tạo nghề và tạo việc làm, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung phê duyệt kế hoạch, nguồn lực thực hiện. 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 6.000 NKT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Bên cạnh đó, NKT được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Trong quý I/2018, Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho vay 333 dự án của lao động là NKT, hỗ trợ tạo việc làm cho 354 người. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 105 dự án, với doanh số cho vay 1.398 triệu đồng, tạo việc làm cho 113 hội viên, trong đó có 90 lao động là NKT.
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam nêu một số đề xuất kiến nghị về công tác hỗ trợ dạy nghề cho NKT
Trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục đào tạo; văn hóa thể thao; giao thông tiếp cận cũng có nhiều chuyển biến. Các rào cản xã hội, giao thông, đi lại, thông tin từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định hỗ trợ NKT tham gia giao thông công cộng như miễn giám giá vé, ưu tiên, trợ giúp khi mua vé, mang vác hành lý lên tàu xe... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục NKT, thúc đẩy hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với NKT tại các địa phương, cơ sở; xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục học sinh khuyết tật; tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ quản lý và 1.500 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, THPT cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh/thành phố về quản lý và kỹ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho 500 cán bộ triển khai chương trình mục tiêu dân số, hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh, tầm soát khuyết tật bẩm sinh, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người bệnh phong.
Đại diện Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, năm 2018, có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT có khó khăn về tài chính. Trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo chưa đầy đủ, 52/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh/thành phố đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 1.083 vụ NKT có khó khăn về tài chính, ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của NKT thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp của người dân nói chung và NKT nói riêng.
Tại Hội nghị, đại diện một số Bộ, ngành, hội đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam về việc tiếp tục quan tâm nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản liên quan đến NKT; có cơ chế cụ thể để các địa phương, hội của NKT thực hiện chính sách đối với NKT; xem xét vấn đề sáp nhập một số hội đặc thù của NKT. Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT thực hiện thí điểm công tác dạy nghề cho NKT ở một số địa phương; ban hành Thông tư hướng dẫn dạy nghề đặc thù cho NKT.
Trả lời ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019), về cơ bản ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT. Riêng đối với công tác dạy nghề theo Đề án 1956, cả nước đã bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho 80.000 lao động (trong đó có 25.000 lao động là NKT). Hầu hết các địa phương đã ban hanh Danh mục nghề đào tạo và định mức chi phí đào tạo nghề cho NKT. Về cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật, các Bộ, ngành đã phối hợp nghiên cứu ban hành Thông tư thay thế Thông tư 37 về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, chỉnh sửa nâng mức trợ cấp cho đối tượng để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- TBXH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp NKT của Ủy ban quốc gia về NKT, của các Bộ, ngành thời gian qua. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các ý kiến đề xuất của các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong thực hiện chính sách đối với NKT hiện nay. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, trong đó nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Công tác xã hội; đề xuất đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi những nội dung về lao động là NKT, Luật Giáo dục sửa đổi  những nội dung quy định về giáo dục NKT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho NKT; Thông tư quy định về giáo dục nghề nghiệp đối với NKT; Quan tâm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cần xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trợ giúp NKT; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trợ giúp NKT./.

Hồng Phượng
TAG: người khuyết tật ỦY ban sơ Kết bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công