An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam họp Hội nghị thường kỳ tổng kết năm 2017
02:49 PM 29/12/2017
(LĐXH) Sáng ngày 29/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường kỳ tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị
Tham dự, có bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; đại diện các bộ, ngành trung ương là thành viên của Ủy ban cùng lãnh đạo một số hội, hiệp hội của người khuyết tật.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cho biết, trong năm 2017, thực hiện công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua 04 đạo luật có lồng ghép các quy định liên quan đến NKT, với những chính sách thiết thực nhằm bảo vệ và tạo điều kiện trợ giúp NKT cải thiện, nâng cao cuộc sống, hòa nhập xã hội. Năm 2017, ngân sách Nhà nước đã cân đối, bố trí kinh phí cho ngân sách địa phương để triển khai thực hiện quy định trợ cấp xã hội hằng tháng ở cộng đồng, nuôi dưỡng tập trung trong cơ sở bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP là 16.265 tỷ đồng. Hiện cả nước có gần 900 nghìn NKT nặng và đặc biệt  nặng, 70 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả của Ủy ban tại Hội nghị
Bộ Lao động – TBXH đã triển khai mô hình trợ giúp NKT tại 7 tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Phước, với 14 huyện, 25 xã. Trong đó có 144 NKT được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ mua giống cây, con, vật nuôi, nông cụ để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cùng với đó, công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc NKT của các tổ chức của NKT cũng đạt nhiều kết quả tích cực như: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được nguồn hỗ trợ bằng tiền và hiện vật tương đương 540 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT như: Phẫu thuật thay thủy tinh thể, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp thẻ BHYT, tặng xe lăn, xe lắc… Năm 2017, Hội đã nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế ra 62 xã cho 8.800 lượt người. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vận động tài trợ được hơn 305 tỷ đồng hỗ trợ NKT.
Cùng với đó, các hoạt động trợ giúp về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, các bệnh viện đã nâng cấp cơ sở vật chất, thiết kế lại các đường đi, khoa phòng, tiếp cận với NKT đi xe lăn tăng 30% so với năm 2016. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 500 cán bộ quản lý và 1.500 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán của 63 tỉnh, thành phố về quản lý và kỹ năng giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Năm học 2016-2017, cả nước có 9.243 trẻ khuyết tật học cấp mầm non, 56.802 trẻ khuyết tật học cấp tiểu học; 16.267 trẻ khuyết tật học cấp trung học cơ sở.

Đại diện một số tổ chức Hội của NKT phát biểu tại Hội nghị
Bộ Lao động – TBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017. Thống kê, trong năm 2017, cả nước có khoảng 18 nghìn NKT được hỗ trợ học nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Các tổ chức hội của NKT tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả hoạt động dạy nghề và cho vay vốn giải quyết việc làm đối với NKT như: Hội Người mù Việt Nam cho vay vốn tạo việc làm từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm gần 50 tỷ đồng cho gần 10 nghìn hộ người mù và 55 cơ sở sản xuất tập trung của Hội người mù các cấp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 nghìn lao động là người mù, NKT khác và người bình thường…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, năm 2017, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, giúp NKT tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống thuận lợi hơn; Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; Hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cộng đồng dân cư. Các rào cản xã hội, rào cản giao thông, đi lại, thông tin đối với NKT từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

Đại diện Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện một số bộ, ngành, hội của NKT tham gia góp ý về một số hoạt động của Ủy ban trong năm qua như: Ủy ban cần đánh giá hoạt động một cách cụ thể để tìm biện pháp, hướng đi thì mới có thể khắc phục được những tồn tại; Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 136 nâng mức trợ cấp xã hội, quan tâm tới đối tượng trẻ tự kỷ; Sớm công bố kết quả điều tra NKT năm 2016 của Tổng cục Thống kê; Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định 28.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam trong thời gian qua. Hiện cả nước có 30 tỉnh thành lập Ban Công tác NKT. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Bộ Lao động – TBXH tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ; Rà soát kế hoạch cụ thể hóa chương trình hành động giai đoạn 2017-2020. Đối với các bộ, ngành là thành viên Ủy ban cũng cần rà soát sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT thuộc phạm vi của bộ, ngành mình; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách đối với NKT, đảm bảo các chính sách được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đối với các hội, hiệp hội của NKT cần tăng cường giám sát, có ý kiến bằng văn bản chính thức đối với các bộ, ngành để đôn đốc theo dõi, nhằm mục tiêu vướng đến đâu thì gỡ đến đó.

Hồng Phượng
TAG: ỦY ban người khuyết tật hội Nghị
Tin khác
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo
Hội đồng hương huyện Diễn Châu tại TPHCM trao tặng 250 triệu đồng hỗ an sinh xã hội cho quê nhà