Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu
06:20 PM 18/01/2018
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) đang diễn ra tại Hà Nội, sáng 18/1, một hội nghị của các nữ nghị sỹ đã được tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến, và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.
Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã lựa chọn chủ đề của hội nghị nữ nghị sỹ là "thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung" với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sỹ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hoá các cam kết quốc tế, cũng như thể chế hoá trong luật pháp quốc gia. 
Đồng thời, đưa hội nghị nữ nghị sỹ - một cơ chế chưa chính thức - trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi quy chế hoạt động của diễn đàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và Luật bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của APPF.
Phát biểu đề dẫn, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức.

Hội nghị nữ nghị sỹ trong khuôn khổ APPF 26.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật.
Khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là một vấn nạn, thậm chí cả những nước đã có tiến bộ đáng ghi nhận trong những lĩnh vực khác.
Để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới một cách hiệu quả và phù hợp vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, theo bà Trương Thị Mai, nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó các nữ nghị sỹ có vai trò rất quan trọng.
Đó là, thực hiện vai trò đại diện, trước hết là quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em.Thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về pháp lý bảo đảm quyền phụ nữ ở mỗi quốc gia.
Vai trò của nữ nghị sỹ còn ở việc tham gia vào các khâu trong quá trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, và trên mọi lĩnh vực. Tham gia quyết định ngân sách, đảm bảo ngân sách có nhạy cảm giới. Giám sát việc thực hiện các luật có liên quan. các chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.
Cũng liên quan đến những thách thức, phát biểu của đoàn nữ nghị sỹ Việt Nam cho biết, sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực tài chính, đất đai, thông tin, đào tạo nghề và làm việc bền vững còn hạn chế. Định kiến giới còn tồn tại, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, tảo hôn còn tiếp diễn...
Đại diện đoàn Việt Nam, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đã thành lập nhóm nữ nghị sỹ trong ba nhiệm kỳ gần đây và đã hoạt động có hiệu quả trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tất cả các nữ đại biểu Quốc hội đều là thành viên của nhóm và rất tích cực trong việc đưa vấn đề bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động chính của Quốc hội, bao gồm lập pháp, giám sát...
Bà Thuý Anh cũng đề cập một con số đáng chú ý, đó là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên mức 26,72%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 22,3%.
Các nữ nghị sỹ Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy vai trò của nghị viện ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương liên quan đến bình đẳng giới. Một trong số đó là tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách và quy định liên quan, lồng ghép giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đoàn Việt Nam, hội nghị đã nghe kinh nghiệm được chia sẻ từ đại diện các nghị viện của các quốc gia tham dự diễn đàn.
Theo vneconomy
TAG: Hội nghị nữ nghị sỹ trong khuôn khổ APPF 26 Trương Thị Mai Nguyễn Thị Kim Ngân bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công