Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Tuyên Quang giúp phụ nữ vươn lên trong đời sống xã hội và gia đình
08:59 AM 12/06/2020
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được các cấp, ban ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan qua việc thực hiện đồng bộ các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội.
Theo đó, hằng năm, Sở Lao động - TBXH hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch giai đoạn, thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nữ đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm thông qua hỗ trợ vốn và mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 213.389 người, trong đó tỷ lệ nữ được tạo việc làm hằng năm đều vượt trên 40%, gồm: lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh 150.851 người, lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố 58.065 người và xuất khẩu lao động 4.473 người.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã tự tạo được việc làm sau khi học nghề
Công tác đào tạo nghề cho phụ nữ ngày càng được coi trọng, nhất là đối với phụ nữ nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình; lao động nữ còn được tham gia các chương trình tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2010 đến nay, riêng Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức đào tạo được 150 lớp dạy nghề với 5.250 học viên tham gia với các nghề mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản..., trong đó nữ nông dân được đào tạo chiếm trên 40%. Tổ chức 36.532 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho 1.826.600 lượt người tham gia, trong đó có trên 60% là phụ nữ. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp nông dân, đặc biệt là nữ giới thay đổi nhận thức canh tác theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương có lợi thế (chè, mía, cam, lạc, gỗ rừng trồng, trâu, cá đặc sản) và một số nông sản hàng hóa khác có hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu của thị trường, đề cao vai trò, sự tham gia của người phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn triển khai hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh để giúp hội viên phụ nữ nghèo, có thu nhập thấp được vay vốn phát triển kinh tế. Duy trì gửi tiết kiệm mức tối thiểu 5.000 đồng/tháng/hội viên vay vốn đã được hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia với số tiền trên 18 tỷ đồng. Hỗ trợ 128 hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; vận động 1.200 chị tham gia tổ hợp tác, tổ liên kết, nhóm cùng sở thích tại địa phương; thành lập và duy trì 5 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết có 140 hộ gia đình tham gia...
Đặc biệt, nhằm giúp phụ nữ vươn lên trong đời sống xã hội và gia đình, trong đó có phụ nữ là thanh niên, Tỉnh đoàn Tuyên Quang đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012 - 2020. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của tỉnh đến năm 2020, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, trường học tuyên truyền, tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động, nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, các ngành nghề đang cần tuyển dụng lao động, tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp việc làm, giúp đoàn viên, thanh niên lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân.
Dịch vụ homstay của đoàn viên Đặng Thị Dương (xã Hồng Thái, huyện Na Hang)
Đến nay, Tỉnh đoàn Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 69.818 đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho 34.513 đoàn viên, thanh niên, trong đó có 1.219 đoàn viên, thanh niên có việc làm với khoảng 50% là nữ thanh niên. Đồng thời, triển khai tổ chức tốt các hoạt động giúp đỡ 623 hộ thanh niên thoát nghèo; xây dựng và duy trì 20 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế, 7 hợp tác xã thanh niên; 755 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có nhiều chủ mô hình kinh tế là nữ thanh niên, tiêu biểu như: mô hình kinh tế trồng hoa quả kết hợp dịch vụ homstay của đoàn viên Đặng Thị Dương (xã Hồng Thái, huyện Na Hang); mô hình chăn nuôi tổng hợp nuôi gà, trâu, thỏ và giun quế của đoàn viên Hoàng Thị Thiết (thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa)... Tổ chức 896 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 42.795 lượt thanh niên và tuyên dương 58 thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế trong đó có đông đảo nữ thanh niên…
Có thể khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở Tuyên Quang đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn.

Chí Tâm

TAG: Tuyên quang bình đẳng giới phụ Nữ vươn lên Gia đình Xã Hội Giúp đỡ
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công