Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Từ ngày 1/1/2018, nhiều quy định mới về chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng
01:57 PM 01/11/2017
(LĐXH) – Đó là thông tin được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố tại Hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu trong cả nước về cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm Xã hội ( BHXH), Bảo hiểm y tế ( BHYT) tháng 10/2017 được tổ chức vào chiều ngày 31/10/2017.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham dự và chủ trì Hội nghị.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: Từ ngày 1-1-2018, quy định mới sẽ bổ sung thêm một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, người làm việc theo  hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2018, đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp quân hàm ( hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ ( hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề ( nếu có) (%) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.  Còn đối với đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người lao động quyết định. Cụ thể: từ 1/1/2018, người lao động, doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập (lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác).

Theo đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương.

Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong Hợp đồng lao động.

Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so vói mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng cho biết, từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Lãnh đạo BHXH TPHCM tại điểm cầu TPHCM

Cụ thể, mức hỗ trợ 10% - 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác…Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm ( 120 tháng). Phương thức hỗ trợ: Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc các đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu; định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

Tại hội nghị, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc - BHXH Việt Nam cho biết đến nay, 21 tỉnh đã có chi phí khám chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ khám chữa BHYT cả năm 2017 trên 100 tỉ đồng. Điển hình, 6 tỉnh có số chi quỹ cao là Nghệ An (919 tỉ đồng), Thanh Hóa (780 tỉ đồng), Quảng Nam (579 tỉ đồng), Quảng Ninh (359 tỉ đồng), Hà Tĩnh (281 tỉ đồng) và Hải Dương (247 tỉ đồng).

Còn về thực hiện Hệ thống thông tin giám định BHYT: BHXH các tỉnh/thành phố đã thực hiện giám định, duyệt, áp dụng 11,4 triệu bản ghi về danh mục thuốc, DVKT và VTYT. BHXH các tỉnh/thành phố cũng đã từ chối 358.668 danh mục dịch vụ, tỷ lệ 2,74% số đề nghị của các cơ sở KCB. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có 12.135 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dự liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT, tỷ lệ bình quân đạt 96,3%. Một số tỉnh/thành phố có tỷ lệ liên thông thấp, cụ thể như: TPHCM (82,32%), Hà Nội (87,11%), Bà Rịa – Vũng Tàu (90,91%), Hưng Yên ( 92,50%).

Phóng viên báo, đài tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TPHCM

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến các cơ sở y tế dự liệu đề nghị thanh toán còn sai sót phải gửi nhiều lần là do: Người đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm ứng dụng CNTT trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện mã hóa DMDC và trích chuyển dự liệu; một số HIS chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa. Đồng thời, không thực hiện đối chiếu, chốt dự liệu thông tin của phiếu thanh toán với danh mục dùng chung đã thống nhất với cơ quan BHXH; tính sai thuốc, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện, tỷ lệ căn cứ quy định của Bộ Y tế; ghi sai tỷ lệ quyền hưởng BHYT.

BHXH Việt Nam cũng cho biết: Trong 9 tháng đã có nhiều trường hợp bệnh nhân BHYT học sinh có chi phí KCB BHYT cao, như: Bệnh nhân N.T.K.O tại Phú Thọ, KCB 3 đợt với tổng số tiền chi trên 741.788.341 đồng; Bệnh nhân N.M.T ở Đồng Tháp, KCB 13 đợt với tổng số tiền chi trả trên 500 triệu đồng, Bệnh nhân N.P.P.A ở Thanh Hóa KCB 6 đợt với tổng số tiền chi trên 470 triệu đồng…

                                                                        Hoàng Cảnh

 

 

TAG: Từ ngày 1/1/2018 nhiều quy định mới áp dụng về chính sách Bảo hiểm Xã hội bắt buộc bao
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động