Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Từ bức tranh thị trường lao động ở Hải Dương nghĩ về bài toán nan giải trong kết nối cung cầu lao động
10:10 AM 22/05/2018
(LĐXH)-Tại Hải Dương, rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm - Kênh hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động tin cậy
Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam. Tại Hải Dương - một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc,  là nơi thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu việc làm tương đối lớn, hiện có 1.035.234 người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số là 1.785.818 người, chiếm tỷ lệ 58% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 11.115 doanh nghiệp với 267.150 lao động (trong đó có 16 doanh nghiệp Nhà nước với 7.723 lao động, 339 doanh nghiệp FDI với 161.297 lao động, 10.760 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 98.130 lao động).
Rất đông người lao động đến Trung tâm DVVL Hải Dương làm thủ tục hưởng chế độ BHTN
và tìm việc làm mới
Góp phần vào việc tư vấn việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động; giới thiệu việc làm; cung cấp dữ liệu thông tin về thị trường lao động; tổ chức dạy nghề ngắn hạn; thực hiện chính sách BHTN theo quy định của pháp luật, giúp thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải kể đến vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương (Trung tâm DVVL Hải Dương) trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Năm 2017, Trung tâm đã thực hiện giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 14.701 người. Số lao động có việc làm là 6.499 người. Trung tâm đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức giới thiệu việc làm. Một trong những giải pháp thu hút lao động phải kể đến vài trò tích cực của sàn giao dịch việc làm. Năm 2017 Trung tâm tổ chức được 68 phiên giao dịch việc làm (GDVL) định kỳ và chuyên đề, trong đó có 50 phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hàng tuần; 07 phiên GDVL online kết nối với các tỉnh khu vực Bắc, Trung, Nam và đồng bằng sông Cửu Long; 09 phiên GDVL lưu động tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề; 01 phiên dành cho bộ đội xuất ngũ huyện Nam Sách; 01 phiên GDVL dành cho người khuyết tật. Kết quả  thu hút 1.471 đơn vị trực tiếp tham gia các phiên giao dịch việc làm; 12.550 lao động được tư vấn tại phiên giao dịch việc làm; 8.203 lao động được phỏng vấn tại phiên giao dịch việc làm và 4.617 lao động trúng tuyển tại phiên giao dịch việc làm. Sàn GDVL Hải Dương đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng kết nối cung cầu lao động, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp. Ngoài ra,Trung tâm còn tổ chức chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy Hải Dương; hội chợ việc làm dành cho lao động EPS (Hàn Quốc) về nước. Thực hiện hướng dẫn cho lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS… Hiện Trung tâm DVVL Hải Dương đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi gặp gỡ quen thuộc của nhiều doanh nghiệp và người lao động. Trong tương lai sẽ là đầu mối kết nối và triển khai các hoạt động dịch vụ việc làm mang tính khu vực.
Doanh nghiệp vẫn khát lao động
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng Phòng Hành chính nhân sự - Công ty TNHH Việt Nam Toyodenso cho biết, hiện tại Công ty chị tuyển dụng được 20 lao động mỗi tuần từ Trung tâm DVVL Hải Dương song so với nhu cầu cần tuyển thêm 700 lao động vào làm việc thì còn thiếu rất nhiều 
Tại Trung tâm DVVL Hải Dương, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Việt Nam Toyodenso. Chị cho biết, Công ty thành lập năm 2007, nằm ở khu công nghiệp Nam Sách, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử trong ô tô và xe máy. Qua 11 năm hoạt động, tổng cán bộ, công nhân lao động của doanh nghiệp hiện có 3.200 người và hiện công ty đang thực hiện mở rộng sản xuất với nhu cầu cần tuyển thêm 700 lao động. Mặc dù  từ nhiều năm nay, công ty thường xuyên tham gia vào phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hàng tuần và các phiên GDVL online do Trung tâm DVVL Hải Dương tổ chức và nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía Trung tâm song đến thời điểm này, công ty vẫn không thể tuyển dụng đủ số lao động đang cần. Trong những ngày có phiên giao dịch việc làm, có rất nhiều ứng viên đến tuyển dụng theo giấy hẹn của Trung tâm song trung bình mỗi tuần công ty chỉ tuyển dụng được khoảng 20 lao động, so với nhu cầu lao động phục vụ cho sản xuất hiện tại ở công ty thì còn thiếu rất nhiều do nguồn lao động ở Hải Dương rất khan hiếm.
Lý giải về sự khó khăn trong việc tuyển dụng lao động vào làm việc, chị Hồng Vân cho biết: Hiện nay tại Hải Dương, làn sóng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác ngày càng nhiều. Mặc dù công ty cũng đảm bảo cho người lao động ở mức  bình quân trên 6 triệu đồng/tháng song so với mức thu nhập khi đi làm việc ở ngoài thì thấp hơn hẳn. Trong khi đó, người lao động hiện nay lại được hỗ trợ về vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nên họ có thể chọn phương án đi lao động ở các nước để có thu nhập cao hơn. Tình trạng này cũng làm lực lượng lao động ở địa phương giảm đi. Bên cạnh đó, tại Hải Dương, hiện có tổng số 11 khu công nghiệp vừa và nhỏ, trong đó riêng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử là 40 đơn vị. Các doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp về da giày, dệt may hiện cũng thực hiện mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm nhà máy và đều có nhu cầu về lao động khá lớn dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động. Một nguyên nhân nữa khiến nguồn lao động ở Hải Dương trở nên khan hiếm là do sự cạnh tranh của thị trường lao động. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Sam Sung ở Bắc Ninh, Hải Phòng đang rất cần lao động cũng đổ bộ về Hải Dương để hút lao động của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, các huyện đều có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng tại đây và thường thu hút được nguồn lao động tại chỗ vào làm việc bởi lý do thuận tiện về đi lại, ăn ở, giảm các sinh hoạt phí. Đây cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn ở tỉnh khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Anh Nguyễn Năng Huy ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đến Trung tâm DVVL tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, được giới thiệu việc làm mới song anh vẫn chưa thực sự muốn đi làm
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều công ty trên địa bàn tỉnh Hải Dương không tuyển được lao động là do một phận người lao động không chấp nhận công việc khi chưa thấy phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân. Tiếp xúc với anh Nguyễn Năng Huy ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chúng tôi được biết anh đã hưởng trợ cấp thất nghiệp được 7 tháng. Từng là nhân viên bán hàng 11 năm ở cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH Tân Bình ở xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ với mức lương và các khoản thưởng khoảng 7 triệu/tháng song anh đã xin nghỉ hồi cuối năm 2017. Lý do anh đưa ra là chỗ làm quá xa nhà và sức khỏe không đảm bảo được yêu cầu thường xuyên làm việc của công việc. Hiện tại, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng giới thiệu cho anh một vài công việc song anh chưa thấy phù hợp, anh muốn tìm một công việc không qua phải đào tạo về chuyên môn tay nghề và đặc biệt phải gần nhà để đỡ đần, chăm sóc cha mẹ.
 Giải pháp nào để kết nối cung cầu lao động
Nói về những giải pháp kết nối cung cầu lao động tại Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí được tổ chức tại Hải Dương trong 3 ngày 17-19/5/2018, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Thông tin thị trường lao động là một vấn đề rất quan trọng và là một trong những nhiệm vụ của ngành Lao động - TBXH,  trong đó có các Trung tâm Dịch vụ Việc làm. Nếu có thông tin thị trường lao động thì sẽ giúp cho việc phân luồng học sinh,  định hướng về đào tạo, bồi dưỡng cũng như cung cấp, sử dụng lao động được chính xác hơn. Hiện nay, hàng quý, Bộ Lao động có công bố bản tin về thị trường lao động. Ở các địa phương, rất nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm  thực hiện được việc dự báo về nhu cầu tuyển dụng lao động như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương... Năm nay, Cục việc làm (Bộ Lao động -TBXH) tiếp tục đẩy mạnh phương pháp dự báo về cung và cầu lao động sao cho hiệu quả. Cùng với việc sử dụng kết quả của các năm trước đây, Cục sẽ mời các chuyên gia quốc tế hỗ trợ các phương pháp, cách  thức dự báo về cầu lao động. Đồng thời, Cục cũng đã yêu cầu tất cả các đồng chí giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm phải công bố thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn để cho mọi người lao động được biết.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai  cho rằng, việc làm
là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội và của từng gia đình, mà trong đó tính
dự báo về những ngành nghề xã hội đang cần là rất quan trọng 
Ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai cho rằng: Nói đến thị trường lao động thì phải nói đến tín hiệu thị trường, tức là tính dự báo. Việc làm là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội và của từng gia đình, mà trong đó tính dự báo về những ngành nghề xã hội đang cần là rất quan trọng vì việc này mang tính điều tiết, vừa hỗ trợ cho công tác quản lý về lao động của các cơ quan chức năng cũng như vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Có một bất cập hiện nay là ngành Giáo dục-Đào tạo đang thực hiện phân luồng học sinh rất ráo riết và để phân luồng học sinh được chính xác rất cần sự phối hợp, tư vấn của những nhà hoạch định chính sách về lao động việc làm và về thông tin thị trường lao động.
Ông Lê Trọng Nghĩa - Tổng Biên tập Báo Hải Phòng khẳng định dự báo xu hướng việc làm và thị trường lao động trên các cơ quan báo chí là rất cần thiết
Ông Lê Trọng Nghĩa - Tổng Biên tập Báo Hải Phòng cho biết: Trong vài năm trở lại đây, nguồn lao động ngành xây dựng ở Hải Phòng rất khan hiếm, thậm chí để tìm một đội thợ thực hiện xây dựng một công trình nhà dân cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, việc Cục Việc làm cần cung cấp những thông tin về xu hướng chung của thị trường lao động trên phạm vi vùng. Có như vậy, cung và cầu lao động; cơ sở đào tạo, người lao động và người sử dụng lao động mới có thể kết nối được với nhau, các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... sẽ giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp. 
Về lời giải cho việc tuyển dụng lao động, chị Hồng Vân cho biết, hiện tại công ty đã chủ động áp dụng rất nhiều kênh tuyển dụng, ngoài kênh truyền thống là phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công ty còn kêu gọi người lao động giới thiệu bạn bè đến làm việc tại công ty; trực tiếp đến và kết hợp với chính quyền xã tổ chức phát loa để người lao động đến UBND xã tham gia tuyển dụng hoặc phối hợp với những công ty có dịch vụ giới thiệu việc làm để tuyển dụng.  Công ty cũng nghĩ tới giải pháp nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối với các Trung tâm của một số tỉnh khác để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên đây là một phương án cũng khó thực hiện bởi công ty chưa có ký túc xá hay khả năng hỗ trợ về nhà ở cho những lao động ngoại tỉnh.
Trưởng Phòng Hành chính nhân sự  Công ty TNHH Việt Nam Toyodenso Chị Nguyễn Thị Hồng Vân mong  muốn Sở Lao động - TBXH tỉnh Hải Dương và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ có những hành động thiết thực hơn nữa trong việc kết nối giới thiệu tuyển dụng để giúp công ty cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo nguồn lao động cung ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Mỹ Hạnh
TAG: kết nối cung-cầu lao động Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Dương thị trường lao động
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động