Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Truyền thông về trẻ em: Cần tinh tế và thận trọng
06:11 PM 10/07/2018
(LĐXH)- Báo chí về trẻ em chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống báo chí vì có những đặc tính riêng, đòi hỏi sự tinh tế và thận trọng trong cách làm, cách thể hiện.
Tại chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng” do Tạp chí Gia đình và Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) tổ chức từ ngày 9 – 10/7 tại TP Hải Phòng, các diễn giả đều nhấn mạnh, báo chí về trẻ em chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống báo chí.
Sở dĩ nói là “đặc biệt” vì nó có những đặc tính riêng, đòi hỏi sự tinh tế và thận trọng trong cách làm, cách thể hiện. Báo chí về trẻ em buộc phải rõ ràng, trong sáng về nội dung; nghiêm túc, vui nhộn về hình thức; toát lên vẻ sáng tạo đầy cảm xúc trong tổng thể.
Làm báo không phải chỉ qua mạng xã hội
Dẫn lại câu chuyện rất “nóng” trên cộng đồng mạng xã hội trong thời gian gần đây, đó là trường hợp cô Đoàn Thúy Hà (ở Hải Dương, tự xưng là hotgirl Bella), được cho là có hành vi ngược đãi con trai một tuổi của mình; đồng thời nhiều ý kiến cho rằng cần tách bé trai ra khỏi người mẹ, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đã phân tích sâu hơn về cách báo chí ứng xử trước thông tin mạng xã hội đăng tải.
Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ thông tin tại buổi tập huấn
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng: Đối với báo chí chính thống, phóng viên phải phản ánh trung thực, tiếp cận nhân vật, sự kiện. Đối với trường hợp cô Đoàn Thúy Hà, một số phóng viên chỉ biết lấy thông tin qua mạng xã hội, không có sự kiểm chứng. Thực tế chưa có phóng viên nào tiếp cận cô Hà, mà chỉ qua một vài thông tin người dân tung lên Facebook, cho đến khi cô Hà được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải xác minh thông tin thông qua cơ quan có thẩm quyền.
“Quy định pháp luật chỉ rõ, chỉ cách ly một đứa trẻ ra khỏi người mẹ trong 2 trường hợp, đó là: Khi người mẹ, người chăm sóc, bảo vệ đứa trẻ không có đủ điều kiện, hành vi chăm sóc; thứ 2 là cha mẹ, người chăm sóc được phát hiện có hành vi bạo hành trẻ. Do đó, việc có tách 2 mẹ con cô Đoàn Thúy Hà hay không cần căn cứ vào pháp luật, không thể căn cứ vào mạng xã hội để xử lý” - ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Theo ông Đặng Hoa Nam, thay vì khai thác thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí cần vào cuộc điều tra, cung cấp thêm thông tin cho cơ quan chức năng. Phóng viên phải tiếp cận nhân vật, thông tin cụ thể, không phải chỉ qua mạng xã hội, thông tin bên ngoài.
Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi làm truyền thông về trẻ em
TS. Hồ Bất Khuất (Tạp chí Gia đình và Trẻ em) cho rằng: Làm báo cho trẻ em, ngoài những kỹ năng chung cho tất cả các loại hình báo chí, cần có những kỹ năng riêng biệt, đặc biệt khi đưa tin, viết bài khi trẻ em bị xâm hại. Trong thế giới hội nhập năng động và phức tạp, trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều. Tình trạng này diễn ra do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là các cháu thiếu hiểu biết, không đủ những kiến thức sơ đẳng để tự bảo vệ mình.
TS.Hồ Bất Khuất trao đổi thông tin về truyền thông cho trẻ em 
TS. Hồ Bất Khuất đưa ra những điều cần lưu ý đối với phóng viên khi viết về chống xâm hại tình dục trẻ em. Thứ nhất, cần hết sức thận trọng, chừng mực. Thông thường, các nhà báo đổ xô tìm hiểu, viết bài khi một em bé bị xâm hại tình dục. Đây là sự việc đau lòng, do đó cần thận trọng khi tìm hiểu, khai thác thông tin, tránh làm cho các em và gia đình lâm vào hoàn cảnh khó xử, gần như bị ức hiếp lần nữa. Không nên chụp ảnh các em, khi đưa tin phải chú trọng việc bảo mật.
Thứ hai, cần nhẹ nhàng, tinh tế. Trẻ em rất nhạy cảm nhưng thường chưa đủ bản lĩnh để thể hiện thẳng thắn thái độ của mình. Vì vậy, dù hài lòng hay không, các em cũng cố gắng đáp ứng yêu cầu của người lớn. Song nếu người lớn hiểu, tôn trọng, đối xử bình đẳng với các em thì các em sẽ hài lòng và vui vẻ.
Sự tinh tế đầu tiên là khi tiếp xúc với các em, các nhà báo cần tạo ra sự bình đẳng. Các em còn nhỏ, vì vậy khi tiếp xúc, trò chuyện với các em, các nhà báo nên tìm tư thế để các em có thể nhìn ngang, nhìn thẳng vào mắt nhà báo.
Các nhà báo tham gia chương trình tập huấn
Thứ ba, cần tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Trẻ em rất thích chụp ảnh, nhà báo có thể thoải mái chụp các em. Tuy nhiên, sử dụng ảnh thế nào lại là vấn đề rất lớn. Điều này không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của nhà báo, ý thích của các em, mà còn vào cha mẹ, người đỡ đầu của các em. Nói chung, nên hạn chế đưa ảnh chân dung của các em lên trang báo, trừ khi đấy là bài báo nói về việc làm tốt hoặc các em là những tấm gương điển hình.
Tại buổi tập huấn, TS.Hồ Bất Khuất cũng khuyến nghị cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi làm truyền thông về trẻ em, với những nội dung như: Người viết báo về trẻ em phải nắm vững pháp luật về trẻ em, hiểu và tôn trọng tất cả các quyền của trẻ; khi làm truyền thông về trẻ em, phải được sự đồng ý của người đại diện quyền lợi của trẻ em (cha mẹ, ông bà, thầy cô); luôn áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong những vụ án nghi phạm là trẻ em; không xâm phạm bí mật đời tư của trẻ về thông tin và hình ảnh thân thể; phải xin phép khi chụp ảnh cho trẻ em trong sự kiện…/.
Dương Thìn
TAG: Bella Đoàn Thúy Hà truyền thông trẻ em
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024