Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II: Nâng chất đội ngũ giảng viên đáp ứng chất lượng giáo dục nghề nghiệp
08:29 AM 21/03/2019
(LĐXH) - Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong dạy nghề hiện nay. Muốn làm được điều này, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Điều này đã và đang được Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II đặc biệt chú trọng, đội ngũ giảng viên có nhiều cơ hội nâng cao kỹ năng nghệ đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng thực tiễn đào tạo hiện nay.

Các đại biểu tham quan bài thực hành của 18 giảng viên vừa được cấp chứng nhận

Nâng chất đội ngũ giảng viên
Mới đây, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II đã tổ chức lễ công bố kết quả và trao chứng chỉ nâng cao kỹ năng nghề tương đương kỹ thuật viên lành nghề của Đức ở 2 nghề Cắt gọt kim loại (CNC) và Cơ điện tử. Đây là dự án nằm trong chương trình hợp tác Việt- Đức về đổi mới chương trình đào tạo nghề Việt Nam được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển Cộng hòa Liên bang Đức. Chương trình do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Bộ LĐ-TBXH phối hợp thực hiện. Điểm đáng chú ý là cả 18 giảng viên tốt nghiệp đều được học ngay tại trường với sự hỗ trợ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Đức. Khóa học diễn ra trong thời gian 4 năm đã mang lại nhiều điều bổ ích cho đội ngũ giảng viên trong việc nâng cao kỹ năng nghề.
Giảng viên Nguyễn Hồng Tiến, Phó trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama II, một trong 18 học viên tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ đợt này cho hay, điều quan trọng đầu tiên là toàn thể giảng viên tham gia khóa học không phải đi xa quê hương, đất nước mà vẫn được học, tiếp cận kỹ năng nghề trình độ tiêu chuẩn Đức. “Điều tôi tâm đắc nhất chính là các bạn chuyên gia, các giảng viên của Đức và chương trình hợp tác đều rất chú trọng đến kỹ năng nghề; kỹ năng truyền đạt kiến thức và thực hành ngay trên máy móc, thiết bị sát với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Những kiến thức học được rất bổ ích để chúng tôi truyền đạt cho sinh viên- nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai”, Thầy Nguyễn Hồng Tiến nói.
Cũng là một giảng viên tốt nghiệp từ khóa học này, thầy Nguyễn Hùng Khánh (Khoa Cơ điện tử) chia sẻ: “Làm việc với các chuyên gia Đức chúng tôi không chỉ học tập học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, giảng dạy và tác phong công nghiệp và chúng tôi còn học được ở họ tác phong rất chuyên nghiệp của một đất nước có bề dày phát triển công nghiệp. Chắc chắn những kiến thức chúng tôi học được sẽ thuận lợi để góp sức vào công tác đào tạo nghề, nâng chất nguồn nhân lực cho nhà trường và nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tương lai”…
Để có được chứng chỉ, trong quá trình đào tạo, các giảng viên đã trải qua các kỳ sát hạch nghiêm ngặt do Phòng Thủ công nghiệp (HWK) Erfurt của Đức trực tiếp đánh giá. Kết quả , tất cả đều đạt năng lực chuyên môn nghề khá cao (cả lý thuyết và thực hành), trung bình từ 65-93%, đáp ứng nhu cầu khối doanh nghiệp công nghệ cao và xứng đáng trở thành 18 giảng viên đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ tay nghề kỹ sư lành nghề tiêu chuẩn Đức.
Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II cho biết: “Với chứng chỉ nhận được tương đương một kỹ thuật viên lành nghề của Đức, giảng viên nhà trường hoàn toàn tự tin khi truyền đạt những kỹ năng này lại cho học sinh. Và không dừng lại ở đây, giảng viên của trường còn có thể chia sẻ, đào tạo nhân rộng cho giáo viên trong cả hệ thống GDNN của Việt Nam. Đồng thời, Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc của nhà trường sẽ đạt tiêu chí của một Trung tâm đào tạo nghề và hướng tới đào tạo giảng viên nghề xuất sắc với đồng bộ: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, bộ chương trình, giáo trình đào tạo và đội ngũ giảng viên”.
Thực tế hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II là cơ sở GDNN đầu tiên của cả nước được chọn xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc của Việt Nam và đây chính là khóa học nâng cao nhằm thực hiện dự án này. Các giảng viên được đào tạo nội dung chủ yếu về chuyên môn nghề như lý thuyết nghề và thực hành nghề cơ bản; thực hành nghề chuyên sâu; phương pháp lí luận dạy học chuyên ngành; phương pháp đào tạo giảng viên nghề…
Bên cạnh 18 giảng viên vừa được trao chứng chỉ kỹ năng chuyên môn ở hai ngành Cơ điện tử và Cắt gọt kim loại CNC theo tiêu chuẩn Đức, tại trường Lilama II cũng đang tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho các giảng viên ở hai ngành Điện tử công nghiệp và Cơ khí xây dựng. Với đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn Đức, đây sẽ là hạt nhân không chỉ cho riêng nhà trường mà còn có thể hỗ trợ, nhân rộng cho đội ngũ giảng viên dạy nghề trong hệ thống GDNN Việt Nam.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TBXH) cho biết: “Việc đạt được chứng chỉ nghề tiêu chuẩn Đức của 18 giảng viên nòng cốt trên đây sẽ là hạt nhân không chỉ cho riêng nhà trường mà còn có thể hỗ trợ, nhân rộng cho đội ngũ giảng viên dạy nghề trong hệ thống GDNN Việt Nam và là hạt nhân để hình thành Trung tâm đào tạo giảng viên xuất sắc cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước”. TS Nguyễn Hồng Minh khẳng định, thời gian qua, nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đầy đủ nên Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II có đủ năng lực, khả năng để đào tạo đội ngũ giảng viên nghề chất lượng cao. Đây sẽ là bước khởi đầu để đào tạo đội ngũ giảng viên tiếp cận trình độ nghề quốc tế.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền công nghiệp này. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại các cơ sở GDNN, cụ thể là tạo cơ hội cho giáo viên tiếp cận trình độ chuẩn quốc tế thông qua những dự án cụ thể, đang được coi là bước đột phá để nước ta có được một đội ngũ kỹ thuật viên chất lượng cao có thể làm việc không chỉ trong nước mà còn tham gia lao động ở các nước trên thế giới.
Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, 100% giảng viên nhà trường có trình độ Đại học và tương đương, trong đó trên Đại học chiếm hơn 65%; ngoài 18 giảng viên chính thức nhận chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn Đức, còn một số giảng viên đang được đào tạo tiếp cận trình độ Cộng hòa Pháp; 7 nghề đang giảng dạy tại trường tiếp cận trình độ quốc tế, trong đó có 4 nghề gồm: Kỹ thuật viên Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật viên Cơ điện tử; Cơ khí xây dựng và Điện tử Công nghiệp đạt tiêu chuẩn và được Phòng Thương mại Công nghiệp Đức cấp chứng nhận…
N. Trinh
TAG: Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II: Nâng chất đội ngũ giảng viên đ
Tin khác
Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh
Những hạn chế trong định hướng nghề nghiệp tại nhà trường
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp