An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An: Điểm đến của tình thương, trách nhiệm và niềm tin
09:09 AM 18/10/2018
Hơn 40 năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) người khuyết tật Thụy An (ở Ba Vì, Hà Nội) đã xây dựng được mô hình PHCN toàn diện, khép kín, gồm: PHCN thể chất, PHCN trí tuệ, PHCN nghề nghiệp và công tác xã hội, với mục tiêu giúp người khuyết tật phục hồi khiếm khuyết, phát huy hết khả năng còn lại của mình để tự phục vụ, lao động, sản xuất, đóng góp cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cho trẻ chậm phát triển, trẻ câm điếc, can thiệp trẻ tự kỷ,...
Trẻ tự kỳ được can thiệp tại Trung tâm
Ngôi nhà chung cho người khuyết tật và trẻ tự kỉ
Cháu Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 2007 (quê Phú Thọ) bị bệnh não, yếu toàn thân, vào Trung tâm đã 5 năm. Trước đây, Ngọc Anh rất yếu, đặt đâu nằm đó, nhưng giờ cháu đã có thể tự đẩy khung tập đi và có thể tự phục vụ những sinh hoạt cá nhân. Bà Hoàng Thị Tơ, bà ngoại Ngọc Anh cho biết, cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do ông ngoại là thương binh nặng, từng chiến đấu trong vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Từ khi sinh ra, Ngọc Anh đã bệnh tật, ông bà nội vì thế không chấp nhận và bắt bố mẹ cháu phải ly dị. Ông bà ngoại thương, đón cháu về nuôi và chạy chữa khắp nơi.
“Năm 2014, cháu được nhận vào Trung tâm, là đối tượng được ở nội trú nên không mất tiền ăn, ở, trị liệu…”, bà Tơ phấn khởi cho biết. Hơn 5 năm nay, bà đi theo phục vụ cháu, bao nhiêu khó khăn vất vả bà vượt qua hết khi thấy cô cháu gái ngày càng tiến bộ. “Nhờ Trung tâm quan tâm, giúp đỡ nên cháu tôi mới tiến triển thế này. Cuối năm nay, tôi sẽ đưa cháu về quê, ông bà cháu có nhau sớm tối”, bà Tơ phấn khởi chia sẻ.
Nhờ được can thiệp, PHCN, cô bé Nguyễn Ngọc Anh đã có nhiều chuyển biến về sức khỏe
Nhờ được PHCN, Nguyễn Trà My đã có thể tự đi lại được một mình
Tại Phòng điện trị liệu thuộc Khoa phục hồi chức năng hiện đang có hơn 100 cháu điều trị. Các cháu thuộc con em chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số đều thuộc diện ưu tiên đặc biệt. Cháu Nguyễn Trà Mi, 6 tuổi (ở Quảng Oai, Ba Vì), vào Trung tâm hơn 2 tháng đang rất nỗ lực tập đi. Mi bị trật khớp háng bẩm sinh, đã được chuyên gia Pháp mổ ở Viện Nhi Trung ương. Sau khi vết mổ ổn định, Mi được đưa lên Trung tâm PHCN. Bác sĩ Vũ Đình Anh cho biết, lúc đầu Mi bị dáng đi lệch trái, duỗi gối. Bây giờ, gối ổn, khớp ổn, các bác sĩ, y tá đang chỉnh dáng đi cho cháu, cố gắng đạt 80-90% như người bình thường.
Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm
Hằng năm, Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An tiếp nhận, PHCN từ 200-230 trẻ em khuyết tật. Trung bình mỗi năm, tổ chức khám, tư vấn, điều trị từ 500-600 trẻ em khuyết tật, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trung tâm hiện có 120 trẻ đang theo học 4 lớp khiếm thính, 4 lớp chậm phát triển trí tuệ, 1 lớp học chức năng sinh hoạt, 4 lớp tự kỷ; trên 80 trẻ em khuyết tật được đào tạo các nghề: cắt may, thêu, tin học văn phòng, nấu ăn, làm vườn, sản xuất tranh đá quý… Nhờ sự quan tâm chăm sóc, PHCN tận tình của bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nhiều trường hợp khi ở nhà không đi lại được, phụ thuộc hoàn toàn vào trợ giúp của người thân, sau khi vào Trung tâm PHCN đã có tiến bộ rõ rệt, tự chăm sóc bản thân, di chuyển được bằng dụng cụ trợ giúp, hoặc đi lại được đem lại nhiều niềm vui cho bản thân và gia đình.
Theo Giám đốc Trung tâm Trần Văn Lý, công tác chăm sóc, PHCN gặp không ít khó khăn vì có nhiều dạng khuyết tật, đòi hỏi nhiều thời gian và kiến thức khoa học, nhân lực. Đặc biệt, với trẻ tự kỉ rất mệt mỏi, căng thẳng, không phải ai cũng làm được. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực đào tạo chưa được chuyên nghiệp, vừa làm vừa tự học, hay học từ chuyên gia nước ngoài và trong nước. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có mô hình chuẩn để chăm sóc, nuôi dưỡng cho người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỉ nói riêng.
Các ý, bác sĩ đang PHCN cho đối tượng 
Chị Vi Thị Liên (ở Móng Cái, Quảng Ninh) phát hiện ra con mình chậm nói, giảm chú ý, tăng động từ lúc 2 tuổi. Nhưng vì nhiều lý do, gần đây chị mới cho con lên Trung tâm can thiệp. Sau gần một tháng, cháu Trần Thế Anh, con trai chị Liên đã “biết nhiều hơn”: Khi cho xem tranh ảnh, cháu phát âm được nhiều từ, phát hiện đúng đồ vật trong tranh. Chị Liên chỉ mong con nhanh biết nói, chịu khó nghe lời, biết trả lời khi được gọi…
“Chị Liên cũng giống như rất nhiều ông bố bà mẹ có con tự kỉ gửi lên Trung tâm can thiệp khi trẻ đã qua giai đoạn vàng”, chị Hồ Hải Hậu, Trưởng khoa Can thiệp trẻ tự kỉ cho biết. Hiện Khoa quản lý gần 50 cháu tự kỉ, nhưng chỉ có 12 cháu được can thiệp sớm. Do nhận thức của cha mẹ về can thiệp sớm cho trẻ tự kỉ còn hạn chế, nhiều cháu học được một thời gian, có tiến bộ thì gia đình cho nghỉ, nên kết quả can thiệp có những gián đoạn, chưa hoàn thiện. Nhiều cháu tự kỉ được đưa vào Trung tâm khi đã lớn, khả năng nghe hiểu kém, hành vi nhiều, tự kỷ nặng, nhiều trẻ lớn phải dạy từng bước một.
Theo chị Hồ Hải Hậu, với trẻ tự kỉ, Trung tâm có các hình thức can thiệp chuyên biệt, hòa nhập và tư vấn phụ huynh can thiệp tại gia đình. Phần lớn các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hậu và các cô giáo mong có nhiều chính sách hơn để hỗ trợ cho các em.
Làm việc với tất cả tấm lòng, trách nhiệm và tình yêu thương
Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An (Bộ LĐTBXH) được thành lập năm 1976. Trẻ em khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm thông qua việc khám tuyển tại các địa phương và phân loại theo các dạng tật để áp dụng các hình thức PHCN cho phù hợp.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức khám, tư vấn, điều trị từ 500-600 trẻ em khuyết tật
Khi vào Trung tâm, các em được tham gia đầy đủ các hoạt động dịch vụ cung cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của bản thân. Thông qua các dịch vụ PHCN, trẻ được phát triển về thể chất và tinh thần; được can thiệp phẫu thuật chỉnh hình, tham gia các hoạt động luyện tập vật lý trị liệu và PHCN về y học, các hoạt động can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp dạy nghề, tham vấn, tư vấn, giới thiệu việc làm… giúp các em khắc phục những khiếm khuyết của tật bệnh, rèn luyện thể lực, ý trí, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp, khơi dậy tiềm năng, khả năng tiềm ẩn là hành trang cần thiết để việc hòa nhập cộng đồng mang tính bền vững, giúp tự lập, ổn định cuộc sống lâu dài.
Gần 40 năm hoạt động, trung tâm đã có gần 2.300 trẻ được PHCN và hòa nhập cộng đồng
Có thể nói, các hoạt động hiện nay tại Trung tâm khá phù hợp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người khuyết tật cả về tinh thần và thể chất. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, phục hồi chức năng cho gần 2.300 trẻ khuyết tật và đã đưa hơn 2.000 em trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ lên lớp đạt từ 95% đến 100%, có 45% đến 50% học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Trong đó có cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (24 cháu). Đặc biệt có những cháu đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ hoặc trở thành doanh nhân thành đạt như cháu Phạm Kim Tuý (Ninh Bình), cháu Trần Ngọc Minh (Bắc Ninh). Một số cháu đã trở thành cán bộ Nhà nước như: Đào Xuân Quyền, Nguyễn Như Liêm, Phạm Thị Thanh...
Chứng kiến những công việc thường ngày của cán bộ, y bác sỹ tại Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An, mới thấy tập thể 95 cán bộ, y bác sỹ nơi đây, nếu không bằng tấm lòng, trách nhiệm, tình yêu thương sẽ không thể vượt qua để hoàn thành công việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả.
40 năm xây dựng và trưởng thành với những bước đi vững chắc, Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An đang từng bước mở rộng, xã hội hóa các hoạt động chăm sóc cho người khuyết tật. Kết quả đó đã thể hiện sự nỗ lực cao của tất cả cán bộ, y bác sỹ bằng tinh thần trách nhiệm cũng như tình cảm, tình thương thực sự dành cho bệnh nhân, cho trẻ em khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hi vọng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ có bước phát triển hơn, trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh; phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để việc nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn./.
Thu Hương


 
TAG: Khuyết Tật Phục Hồi chức nănG bao
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng