Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Trung tâm DVVL Quảng Trị: Nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động
03:53 PM 01/10/2020
(LĐXH) – Sau COVID-19, người lao động (NLĐ) không có việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng cao. Số người thất nghiệp làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 150% so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình này, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhằm tạo điều kiện tốt nhất để họ sớm trở lại thị trường lao động.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm cho người lao động chính là đòn bẩy để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương, với vai trò là cơ quan chủ lực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan cùng với UBND cấp xã huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về việc làm; giao nhiệm vụ cụ thể tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị thường xuyên phối hợp cùng hệ thống các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Việc tổ chức định kỳ các phiên giao dịch hàng tháng tại Trung tâm thực sự đã mang lại những kết quả tích cực, giải quyết được rất nhiều việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, các phiên giao dịch việc làm lưu động cũng được Trung tâm phối hợp với các địa phương triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch, các thông tin về thị trường lao động, chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực việc làm ngày càng tiếp cận gần hơn tới người lao động.
Quảng Tri xác định giải quyết việc làm là đảm bảo an sinh xã hội của địa phương
Tính đến 31/8/2020, Quảng Trị đã có hơn 3.000 người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 150% so với cùng kỳ năm 2019. Giải thích sự gia tăng quá cao này, ông Bùi Văn Lũy cho biết, sau hai đợt COVID-19, số lượng người lao động trong các doanh nghiệp mất việc làm ngày càng nhiều hơn. Ngoài số lao động bị ảnh hưởng trên địa bàn, số lượng lao động thất nghiệp trở về từ các thị trường lao động lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng cũng ngày càng tăng. Phần lớn các lao động làm việc trong các ngành nghề may, giày da, dệt, nhuộm, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống... có độ tuổi từ 25 đến 40 và không có bằng cấp, chứng chỉ nghề.
Bế giảng lớp dạy nghề nấu ăn
Trong 8 tháng qua, Trung tâm đã tư vấn việc làm và các chế độ chính sách liên quan đến lao động, việc làm cho gần 5.500 người (tăng 280% so với cùng kỳ năm 2019). Giải quyết việc làm mới cho 6.059 lao động, trong đó 3.100 lao động làm việc tại địa bàn tỉnh, 2.150 lao động làm việc ngoài tỉnh, việc làm ngoài nước 809 lao động. Công tác xuất khẩu lao động cũng đạt 58% kế hoạch năm với 696 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Các thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là Đài Loan (120 lao động), Hàn Quốc (52 lao động), Nhật Bản (522 lao động). Trong tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng số đối tượng được phê duyệt là 8.005 lao động, hộ kinh doanh; hỗ trợ 13.189 lượt hộ nghèo và hộ chính sách khác vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng số tiền 583 tỷ đồng.
Ngày hội việc làm tỉnh Quảng Trị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại Quảng Trị cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, thông tin tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động chưa được phổ cập thường xuyên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bản thân người lao động đôi khi chưa quan tâm tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu thông tin về thị trường lao động. Cùng với đó, chế độ đãi ngộ đối với lao động của một số doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp, điều kiện sinh hoạt và môi trường lao động chưa tốt, do đó chưa thu hút được lực lượng lao động; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trình độ văn hóa còn thấp, chưa có tay nghề, ngoại ngữ yếu nên thiếu tự tin. Về phía nhà tuyển dụng, việc số doanh nghiệp thành lập mới hiện không nhiều, cũng dẫn tới nguồn việc làm bị thiếu hụt…vv.
Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Trị
Trưởng Phòng Đào tạo nghề của Trung tâm DVVL Nguyễn Văn Trị cho biết thêm, để tăng sự lựa chọn nghề phù hợp với xu thế thị trường cho người lao động, nhất là NLĐ thất nghiệp, trung tâm đã cố gắng đa dạng ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng tham gia về thời gian, chương trình học. Trong quá trình đào tạo, trung tâm luôn chú trọng phần thực hành, giúp học viên học xong có thể tự kinh doanh hoặc đảm bảo tay nghề khi tìm việc làm. Hiện trung tâm đang triển khai đào tạo hơn 20 nghề, gồm nghề may, trang điểm thẩm mỹ, kỹ thuật pha chế đồ uống, làm bánh, lái xe ô tô….cho NLĐ thất nghiệp, trong đó nghề kỹ thuật pha chế các loại đồ uống có số lượng người đăng ký học nhiều nhất. Sau khóa học, các học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ. Nhiều học viên sau khi học xong đã tìm được việc làm.
Tính đến 31/8/2020, Quảng Trị đã có hơn 3.000 người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tuy nhiên, trong năm 2020, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề tăng cao so với năm 2019 nhưng số lớp được mở để hỗ trợ học nghề vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu do yêu cầu số lượng học viên tối thiểu phải đủ 20 người/ nghề/lớp. Bên cạnh đó, có một số nghề trung tâm gửi học viên đào tạo tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh nhưng cũng vì không đủ số lượng học viên theo quy định nên các cơ sở không thể mở lớp. Mặt khác, NLĐ chỉ được hưởng hỗ trợ học nghề miễn phí theo chính sách BHTN trong thời gian hưởng TCTN. Nếu hết thời gian hưởng TCTN, NLĐ muốn học nghề phải nộp học phí 2 triệu đồng/khóa học. Phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, khi bị thất nghiệp, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Trước tình hình này, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ hưởng TCTN; tìm kiếm, kết nối nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHTN đối với NLĐ.
 
Chú trọng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động

Năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động, cung ứng nguồn, liên kết đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu ( XKLĐ). Cụ thể, nếu như năm 2019, Trung tâm DVVL tỉnh đã đưa gần 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm chỉ mới đưa được 35 lao động đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, do dịch COVID -19 nên Trung tâm không tổ chức được sàn giao dịch việc làm, các hội nghị, hội thảo tư vấn, tuyên truyền về XKLĐ tại các địa phương. Cán bộ làm công tác tuyển sinh thực hiện tư vấn qua điện thoại, online dẫn đến hiệu quả không cao. Dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường trọng tâm về XKLĐ của tỉnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Do vậy, việc tư vấn người lao động tham gia các chương trình XKLĐ hết sức khó khăn; việc khai thác đơn hàng tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, số lượng đơn hàng ít hơn, người lao động không có nhiều cơ hội lựa chọn đơn hàng, ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, việc tạm dừng trao đổi các chuyến bay quốc tế đã ảnh hưởng đến thời gian xuất cảnh của người lao động…
 Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực bảo đảm, sẵn sàng cho XKLĐ khi dịch bệnh ở các nước được khống chế, ngay sau khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, Trung tâm đã về tận các địa phương triển khai công tác tuyển nguồn; tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền về XKLĐ, các sàn giao dịch việc làm; triển khai ngay việc khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, tư vấn, đào tạo nghề, học ngoại ngữ… để tạo nguồn lao động sẵn có chờ các thị trường XKLĐ mở cửa trở lại. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức đào tạo lại 2 lớp tiếng Hàn Quốc buộc phải ngừng hoạt động do dịch bệnh với hơn 70 học viên để chuẩn bị cho kỳ thi EPS vào cuối tháng 7/2020. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực người lao động theo chương trình EPS cho 173 lao động ngành sản xuất chế tạo và 275 lao động ngành ngư nghiệp; thời gian thi dự kiến từ nay đến tháng 8/2020. Ngoài ra, đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ, visa…
Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị phấn đấu có khoảng 1.800 người đi XKLĐ, nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ có 683 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), thời điểm này mặc dù các nước vẫn đang còn đóng cửa với lao động Việt Nam, song lại là “thời điểm vàng” để tạo nguồn lao động, giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tay nghề, ngoại ngữ… trước khi thị trường lao động mở lại. Ông Trắc chia sẻ, theo tính toán, mỗi lao động khi muốn đi làm việc tại các thị trường lao động chất lượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay các nước Châu Âu, Trung Đông đều phải trãi qua quá trình đào tạo từ 4 – 6 tháng. Sau đào tạo còn phải chờ đợi đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn rồi mới được xuất cảnh. Thế nên việc đào tạo cần được tiến hành ngay từ bây giờ để khi tình hành dịch bệnh ổn định sẵn sàng có nguồn lao động xuất cảnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu lao động tại các nước sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất khôi phục nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khi thi trường lao động ở các nước mở cửa sẽ hạn chế hoặc không tiếp nhận lao động của một số nước trong khu vực Đông Nam Á do dịch bệnh chưa được không chế. Trong khi đó, đến thời điểm này nước ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, do đó lao động Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp nhận. Đây được xem là cơ hội lớn của XKLĐ cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng sau COVID-19. Theo ông Trắc, để có nguồn lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tăng cao của các nước sau dịch bệnh, ngay từ bây giờ, các đơn vị cung ứng dịch vụ XKLĐ cần tăng cường công tác tư vấn, tuyển dụng, đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ… để có đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng có chất lượng, thu nhập cao. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị XKLĐ triển khai công tác tuyển dụng và đào tạo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trước mắt, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) đã có thông báo nối lại kỳ thi tiếng Hàn đợt 2 cho những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 3/2020 nhưng buộc phải tạm hoãn do COVID-19.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về kế hoạch tổ chức kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực năm 2020 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc (theo chương trình EPS) trong ngành ngư nghiệp; thời gian dự kiến từ tháng 8 –10/2020; chỉ tiêu tuyển dụng ngành ngư nghiệp năm 2020 chương trình EPS này là 1.297 lao động./.
Thanh Hương
TIN LIÊN QUAN
TAG: quảng Trị Trung tâm dịch vụ việc làm xuất khẩu lao động Covid-19
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần