Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” trong các vụ án xâm hại trẻ em
10:46 AM 10/07/2020
(LĐXHH)- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện”; bảo đảm 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE) phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTE được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống XHTE, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án XHTE cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm XHTE.   
Theo Nghị quyết số 121/2020/QH14, Bộ Lao động – TBXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống XHTE
Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn có hạn chế, bất cập. Cụ thể, theo Nghị quyết, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống XHTE còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống XHTE ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nhiều nơi thiếu các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi XHTE ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình XHTE sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.
Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng. Công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống XHTE có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống XHTE trong nhiều trường hợp chưa thực chất và chưa hiệu quả. Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em. Nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thay đổi, một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Ngân sách, cơ sở vật chất dành cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống XHTE còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Chính vì vậy, theo nghị quyết 121, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống XHTE.
Công tác phòng, chống XHTE đã được nhiều Bộ, ngành chức năng và các địa phương quan tâm thực hiện
Đối với Chính phủ, trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chính phủ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTE. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống XHTE cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống XHTE; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ XHTE trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống XHTE; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào những hoạt động trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em.
Tổng 111 duy trì 24/24 để tiếp nhận các thông tin liên quan đến trẻ em
Theo Nghị quyết số 121/2020/QH14, đối với Bộ Lao động – TBXH, Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi việc thống kê tình hình trẻ em và tình hình XHTE trên phạm vi cả nước; trong năm 2020, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình XHTE. Bộ Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành khác có liên quan biên soạn bộ tài liệu mẫu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng. Định kỳ hằng năm, Bộ Lao động - TBXH tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống XHTE. Bộ sẽ tiếp tục phát triển nghề công tác xã hội, đào tạo nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 
Cũng theo Nghị quyết, Bộ Công an ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm XHTE trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án XHTE cho Điều tra viên. Chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về XHTE đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm XHTE đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm XHTE; xây dựng các mô hình phòng ngừa XHTE, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Các địa phương cần bố trí kinh phí phù hợp cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án XHTE; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ việc XHTE để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn đạt 100% số vụ án XHTE và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án XHTE cho Kiểm sát viên.
Về phía HĐND các cấp ban hành nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát triển khai chính sách, pháp luật về trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống XHTE. Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, bố trí kinh phí phù hợp cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Các địa phương bảo đảm trẻ em có nguy cơ xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp can thiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống XHTE. Đồng thời, bố trí công việc hợp lý cho cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em…

Chí Tâm

TAG: Quốc Hội CHính phủ Bộ Lao động - TBXH NGhị quyết số 121/2020/QH14 tăng Cường chòng chống Xâm hại Trẻ Em mô hình điều tra
Tin khác
Hỗ trợ hành vi tích cực – hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên chủ động triển khai nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2024
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7