Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về việc làm
12:41 PM 19/11/2022
(LĐXH) - Ngày 18/11 tại Ninh Thuận, Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 khu vực phía Nam. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm dịch vụ việc làm của 34 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều dự án. Riêng hội nghị lần này sẽ tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện 2 tiểu dự án quan trọng thuộc dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là tiểu dự án 2 hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tiểu dự án 3 hỗ trợ việc làm bền vững.

Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức thực hiện nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập hướng tới giảm nghèo bền vững cho người dân
(Ảnh minh hoạ)

Theo đó, 570 tỷ đồng được huy động để thực hiện tiểu dự án 2 với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động này sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các vùng khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu trên, các hoạt động chính của tiểu dự án 2 là hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Dự án hỗ trợ chi phí thực tế khóa học đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng cá nhân mức 600.000 đồng/người...

Với tiểu dự án 3, dự kiến tổng vốn huy động thực hiện là 2.610 tỷ đồng, trong đó có 1.950 tỷ đồng là vốn ngân sách trung ương, phần còn lại là vốn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.

Mục tiêu của tiểu dự án 3 là đến năm 2025 thì 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Tại hội nghi, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận một số vấn đề trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các nghị định và thông tư tuy đã ban hành và có hướng dẫn nhưng còn quá mới nên việc triển khai thực hiện của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa cái khó lớn hiện nay đó là việc bố trí vốn còn ít đối với các tiểu dự án, không đủ đáp ứng, trong khi nhiều tỉnh, thành còn khó khăn về vốn đối ứng để cân đối bố trí. Bên cạnh đó, đối với thông tư về thu thập thông tin và các thông tư hướng dẫn khác vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể nên việc triển khai tại địa phương còn nhiều khó khăn. Đối với vốn đầu tư tại tiểu dự án 4.3 (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), một số kết nối về dữ liệu quốc gia, thu thập thông tin về cung cầu lao động, cơ sở dự liệu dân cư… chưa được cụ thể hóa. Hiện tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất… để triển khai hỗ trợ trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức trực tuyến giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động.

Về nguồn vốn phân bổ, lãnh đạo Cục Việc làm cho biết, nhiều Bộ và các cơ quan Trung ương cũng chỉ được phân bổ 10% vốn ngân sách Trung ương. Do đó, để triển khai vấn đề giải quyết việc làm, các địa phương cần chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình trên địa bàn. Nếu các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 70% trở lên thì vốn đối ứng tối thiểu 3%; nếu nhận ngân sách Trung ương từ 50% đến dưới 70% thì vốn đối ứng tối thiểu là 10%; địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương dưới 50% thì vốn đối ứng tối thiểu là 15%.

Trần Huyền

TAG: Việc Làm Thu nhập Giảm nghèo
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần