An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trên 247.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng chính sách cho vay sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, phục vụ đời sống sinh hoạt
03:34 PM 27/06/2022
(LĐXH) - Tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách tạo giải quyết việc làm, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu của các đối tượng vay vốn
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH quản lý đạt 247.970 tỷ đồng, với gần 7,9 triệu món vay của gần 6,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng. Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng theo mục đích sử dụng vốn gồm: Tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm… Dư nợ các chương trình này đạt 182.402 tỷ đồng, chiếm 73,6% tổng dư nợ; Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt bao gồm: cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền trung, cho vay mua nhà ở trả chậm vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dư nợ các chương trình này đạt 65.568 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,4% tổng dư nợ.
Trong tổng dư nợ của NHCSXH, có trên 85% dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 52% dư nợ cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 97% dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách trọng tâm của Chính phủ: cho vay hộ nghèo đạt 27.479 tỷ đồng, chiếm 11%; hộ cận nghèo đạt 36.062 tỷ đồng, chiếm 15%; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 43.612 tỷ đồng, chiếm 18%; cho vay giải quyết việc làm đạt 39.946 tỷ đồng, chiếm 16%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 44.398 tỷ đồng, chiếm 18%; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 27.550 tỷ đồng, chiếm 11%; học sinh sinh viên đạt 10.243 tỷ đồng, chiếm 4%; cho vay hỗ trợ nhà ở đạt 10.928 tỷ đồng, chiếm 4,4%.
Đến 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đạt 87.466 tỷ đồng, chiếm 35,27% dư nợ toàn quốc, với hơn 2,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng sau: hộ cận nghèo đạt 17.018 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo đạt 16.758 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 13.538 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 12.021 tỷ đồng; giải quyết việc làm đạt 9.667 tỷ đồng; hộ nghèo đạt 8.970 tỷ đồng;...
Đặc biệt, trong năm 2021-2022, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, NHCSXH phối hợp cùng Bộ Lao động -TBXH là đơn vị chủ trì và các bộ, ngành liên quan triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 126/NQ-CP; dư nợ đạt 4.730 tỷ đồng. Riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dư nợ đạt 302 tỷ đồng. Chính sách đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện tại NHCSXH, bao gồm: Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025; Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngay sau khi các chính sách được ban hành, NHCSXH đã kịp thời triển khai trong toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 2.335 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt công tác thu nợ để tiếp tục tạo lập nguồn vốn cho vay mới đồng thời bảo tồn và duy trì nguồn vốn đã có để các chương trình tín dụng chính sách xã hội phát huy được hiệu quả ngày càng cao hơn.
Đến 31/12/2021, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.736 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ. Trong đó: nợ quá hạn 590 tỷ đồng, chiếm 0,24% tổng dư nợ; nợ khoanh 1.146 tỷ đồng, chiếm 0,46% tổng dư nợ./.
Hồng Phượng
TAG: vay Vốn Tín Dụng Hộ nghèo bao
Tin khác
Hỗ trợ hành vi tích cực – hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên chủ động triển khai nhiệm vụ trong những tháng đầu năm 2024
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7