Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
TPHCM tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019
12:24 PM 28/01/2019
(LĐXH) – Sáng ngày 25/01/2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP HCM phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các trường Cao đẳng, trung cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và lãnh đạo các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Báo cáo kết quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp của thành phố trong năm 2018, ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 544 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 52 trường Cao đẳng, 64 trường Trung cấp và 82 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Thành ủy, UBND thành phố. Thông qua chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thành phố đến năm 2020, ngành LĐTBXH TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường; các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; các chương trình hợp tác quốc tế; các khóa hợp tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên theo định hướng tiên tiến cấp khu vực.

Hiệu trưởng Trường CĐN Du Lịch Sài Gòn Ngô Quỳnh Xuân chia sẻ tại Hội nghị

Công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp thông qua các kênh như: truyền hình, báo chí, mạng xã hội,.. đưa nhiều thông tin về giáo dục nghề nghiệp đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Với những nỗ lực đó, trong năm 2018, kết quả tuyển sinh đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được 482.699 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó hệ cao đẳng 46.782 sinh viên, hệ trung cấp 29.091 học viên, hệ sơ cấp 159.900 học viên và đào tạo thường xuyên 246.926 học viên. Trong năm 2018, thành phố cũng tập trung đào tạo 4 ngành công nghiệp trọng yếu cho 38.598 người và 9 ngành dịch vụ chủ yếu đạt 248.080 người. Các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối Asean là 12.069 người. So với năm 2017, trong năm 2018 số lượng người  tốt nghiệp các trình độ ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố giảm 16,59%. Trong đó, trình độ cao đẳng tăng 4,45%, trình độ trung cấp giảm 17,02%, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên giảm 15,57%.

Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện trong năm 2018 là 3.659.452/4.473.000 (81,81%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ cao và trong các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt 82,46%. Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hệ chính quy trình độ Cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận, một số thuộc các lĩnh vực như: Điều dưỡng, Dược sỹ, Y sĩ trình độ trung cấp được cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề ở khối các trường cao đẳng đạt 81,76%. Đặc biệt, một số trường cao đẳng đạt tỷ lệ 100% sinh viên ra trường có việc làm, như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng, CĐ Kinh tế TPHCM, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ TPHCM… Còn ở khối các trường Trung cấp tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 79,96%, một số cơ sở đạt tỷ lệ 100% như: Trung cấp nghề Bình Thạnh, TC Kinh tế Kỹ thuật Quận 12, TC Nguyễn Hữu Cảnh…

Hiệu trường Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương

Phạm Quang Trang Thủy báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh đào tạo các ngành nghề trọng yếu, thành phố còn tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 31/12/2018, thành phố đã đào tạo được 11.875/chỉ tiêu 10.500 lao động nông thôn, đạt 113,10% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 3.932 người học nghề nông nghiệp, 7.943 người học nghề phi nông nghiệp và có 6048 là lao động nữ trong tổng số người được đào tạo, chiếm tỷ lệ 50,93%.

Cùng với công tác tuyển sinh đào tạo, thành phố còn tập trung đẩy mạnh công tác xậy dựng phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo. Hiện nay, tổng số nhà giáo trong khối giáo dục nghề nghiệp là 12.786 người, trong đó trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đạt chuẩn theo quy định ( Đại hoc: 5.574 người, Cao đẳng: 2.994 người, thạc sĩ: 3.993 người, tiến sĩ: 225 người và nghiệp vụ sư phạm 10.473 người. Trong năm 2018, thành phố cũng có 9.583 nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đánh giá, xếp loại nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Song song đó, công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cũng được thành phố quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều dự án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Các dự án đầu tư nghề trọng điểm, dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề và phát triển ngành nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư bài bản, khang trang đã thu hút hiệu quả người học và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngằn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động của thành phố trong thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM vẫn còn những hạn chế, tồn tại cả về khách quan lẫn chủ quan như: tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Công tác tuyển sinh đại học còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả nên việc giao đất, cấp đất để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển còn hạn chế…

Ông Nguyễn Văn Lâm trao tặng giấy khen cho các cơ sở giáo dục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác  năm 2018

Vì vậy, để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, trong năm 2019, thành phố tiếp tục đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm như: Tuyển sinh đào tạo đạt 461.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng là 45.000 người, trình độ trung cấp là 36.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 380.000 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 10.500 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83%. Để thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu trên, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp như: Công tác giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất – phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý – nhà giáo các kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nâng cao uy tín của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp. Hoàn thành tốt công tác đánh giá, tiến tới việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được lựa chọn là trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với giải quyết việc làm; đặt hàng sản phẩm đào tạo với các đơn vị đào tạo; xây dựng và hướng đến các trường tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Hoàng Cảnh

 

TAG: TPHCM tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và triển khai nhiệm vụ n
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần