Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
TPHCM: Hoàn thành vượt các chỉ tiêu về lao động việc làm và an toàn lao động năm 2019
01:44 PM 26/05/2020
Xác định công tác lao động việc làm và an toàn lao động là những nhiệm vụ quan trọng của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), để hoàn thành tốt công tác này thời gian qua Sở LĐTBXH TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, đạt được kết quả tích cực góp phần ổn định an ninh trận tự, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ - TBXH TP trao tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc về công tác việc làm và An toàn lao động trong năm 2019

Lĩnh vực việc làm đạt hơn 105% kế hoạch 

Theo Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, trong năm 2019 các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 315.486 lượt người, đạt hơn 105% kế hoạch năm, trong đó số chỗ việc làm mới là hơn 136.280, đạt gần 105% kế hoạch. Số lao động được giải quyết việc làm tăng 2.267 lượt người, so với năm 2018; tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,75%, đạt hơn 145%. Lĩnh vực đưa lao động đi làm việc nước ngoài trên địa bàn thành phố trong năm qua cũng gặt hái được kết quả khả quan, đạt gần 103% so với kế hoạch.

Cụ thể, 86 đơn vị tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố trong năm 2019 đã đưa được 13.840 người lao động đi làm việc ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapo,… với các ngành nghề là may mặc, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, cơ khí, xây dựng, bán hàng,...

Theo Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM Lê Minh Tấn, công tác xuất khẩu lao động đã góp phần tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn, lao động thuộc gia đình chính sách, nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện đời sống của gia đình họ. Đồng thời, người lao động đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề từ thực tế công việc; Tiếp thu được kỹ năng và tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp ở nước ngoài, khi về nước họ có điều kiện tìm được việc làm tốt với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động trên địa thành phố thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn.Nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài còn thấp; số lượng lao động trên địa bàn thành phố có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài không nhiều, chỉ chiếm khoảng 6,5% trên tổng số lao động được các doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước trong năm qua.

Nguyên nhân của những hạn chế này, theo Sở LĐTBXH TP.HCM là do quy mô hoạt động của một số doanh nghiệp còn nhỏ, đội ngũ nhân sự làm công tác tư vấn, công tác chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển thị trường của một số doanh nghiệp còn yếu và thiếu kinh nghiệm, chưa xây dựng cho mình một thương hiệu xuất khẩu lao động riêng. Việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu theo chiều rộng mà không chú trọng đến chiều sâu và chưa chủ động được nguồn lao động trong nước hợp lý. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến người lao động phải chụi nhiều chi phí để đi xuất khẩu lao động. Trong đó, chất lượng lao động thấp, phần lớn số lao động chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến không có lợi thế cạnh tranh với người lao động các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ - TBXH TPHCM phát biểu tại Hội nghị

Về lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, trên địa bàn thành phố trong năm 2019 có nhiều đổi mới, đặc biệt là trong khâu tiếp nhận cấp phép thủ tục hành chính. Trong năm Sở LĐTBXH TP đã triển khai áp dụng công tác tiếp nhận thủ tục hành chính cấp giấy phép lao động thông qua mạng điện tử, từ ngày 01/01/2019 là một trong những cản tiến đáng ghi nhận. Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, trong năm đã cấp giấy phép lao động cho 15.437 hồ sơ, trong đó cấp mới là 10.978 trường hợp. Ước tính số lượng hồ sơ được cấp phép lao động là 18.500, trong đó cấp mới là 12.000 hồ sơ. Thông báo chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 12.451 hồ sơ với nhu cầu sử dụng là 15.860 vị trí, số vị trí được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài là 15.294 vị trí, chiếm tỷ lệ 96,43% hồ sơ tiếp nhận với 17.958 người lao động. Tính đến cuối năm 2019, tổng số người nước ngoài được cấp giấy phép lao động còn hiệu lực trên địa bàn TP.HCM là 27.845 người.

Nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh lao động

Trước thực tế tình hình tai nạn lao động ngày càng có xu hướng gia tăng, nguyên nhân cơ bản là do nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động chưa cao. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành công tác ATVSLĐ tai các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, trong năm 2019 Sở LĐTBXH TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ như những công trình xây dựng hay lĩnh vực cơ khí, kho bãi,... Với tổng số cuộc đã thực hiện kiểm tra là 378 cuộc, đạt 108% kế hoạch.

Qua kiểm tra phát hiện phát hiện còn một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ còn mang tính hình thức, đối phó; chưa chủ động dành kinh phí cho công tác bảo hộ an toàn lao động; chưa thật sự chú trọng đến các hoạt động phong trào, tháng hành động ATVSLĐ. Nhằm khắc phục tình trạng này và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành về Luật ATVSLĐ trong năm 2019, Sở LĐTBXH thành phố đã quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động Tháng hành động ATVSLĐ lần 3 năm 2019. Tham dự hội nghị này có hơn 100 đại biểu đến từ 24 quận, huyện, Liên đoàn Lao động TP và các Sở, ngành cùng các đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua hội nghị, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, người lao động đã hiểu hơn về những phương pháp, kỹ năng hoạt động của công tác ATVSLĐ, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong sản xuất kinh doanh.

TPHCM thường xuyên tổ chức nhiều ngày hội việc làm và sàn giao dịch việc làm giúp người lao động và doanh nghiệp tuyển chọn và tìm kiếm việc làm thuận lợi

Đặc biệt, trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ năm 2019 Sở LĐTBXH TP đã tổ chức 4 lớp tập huấn năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho gần 300 người làm công tác quản lý; Phối hợp với quận Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Quận 5 và huyện Bình Chánh mở các lớp tuyên truyền về Luật ATVSLĐ với hơn 1.000 lượt người tham dự; Triển khai thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý ATVSLĐ, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động năm 2019.

Nói về việc thực hiện hiệu quả các giải pháp để hoàn thành tốt 3 chỉ tiêu pháp lệnh của Ủy ban nhân dân thành phố giao cho ngành, về giải quyết việc làm, đạt hơn 105% kế hoạch năm; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm đạt 112,6% kế hoạch năm; kéo giảm tỷ lệ hộ cận nghèo đạt 113,7% kế hoạch, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, trong thời gian qua Sở đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội về giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động về lao động việc làm an toan lao động, thực hiện tốt thủ tục hành chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp pháp luật về lao động việc làm an toàn lao động.

Phát huy kết quả đạt được, Sở LĐTBXH TP.HCM đã đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch công tác năm 2020. Về lĩnh vực việc làm sẽ giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, tạo việc làm mới cho 130.000 việc làm tăng thêm. Về lĩnh vực xuất khẩu lao động, sẽ đưa 13.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH thành phố sẽ triển khai và giải quyết các chính sách về việc làm liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn – giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để nhanh chóng gia nhập thị trường lao động.

Trong công tác quản lý ATVSLĐ, Sở sẽ tiếp tục xây dựng thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo các mục tiêu Chương trình của giai đoạn 2016-2020 đảm bảo hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về ATVSLĐ và các biện pháp làm việc an toàn cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Tiếp tục hoàn thiện việc cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính về lao động nước ngoài.

Đăng Hải

 

TAG: TPHCM lao động Việc Làm an toàn lao động
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Hà Nội: Đào tạo nghề miễn phí cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp