An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác An toàn, vệ sinh lao động
04:03 PM 08/07/2020
(LĐXH) - Với mục tiêu giảm thiểu và đẩy lùi tai nạn lao động (TNLĐ) tại nơi làm việc, thời gian qua các cấp công đoàn đã và đang phối hợp hiệu quả với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp.
Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ. Tham gia với cơ quan chức năng xây dựng 02 dự án luật quan trọng liên quan đến công tác ATVSLĐ là Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015. Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ; Các thông tư hướng dẫn công tác ATVSLĐ; Các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ. Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng…
Các cấp công đoàn cơ sở (CĐCS) tích cực tham gia với NSDLĐ xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ thông qua Hội đồng ATVSLĐ tại cơ sở; giám sát NSDLĐ, NLĐ thực hiện ATVSLĐ thông qua các thành viên là tổ trưởng, tổ phó công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2020
Công tác tuyên truyền, huấn luyện và phối hợp tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ của công đoàn cơ sở, hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên (ATVSV) được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của NLĐ và cộng đồng về đảm bảo ATVSLĐ. Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã phát gần 3,4 triệu tờ rơi, treo hơn 1 triệu băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLĐ; Cấp 13.000 cuốn sổ tay ATVSV; In 342.738 tài liệu tuyên truyền về ATVSLĐ tới tận tay NLĐ; Tổ chức và phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện cho gần 7 triệu lượt NLĐ, cán bộ công đoàn, ATVSV về công tác ATVSLĐ; Đã có 56/63 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư tổ chức Hội thi ATVSV giỏi cấp tỉnh, cấp ngành nghề; Công nhân viên chức, người lao động trên cả nước đã thực hiện gần 100.000 công trình, sáng kiến, đề tài liên quan đến ATVSLĐ, trong đó có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, làm lợi về kinh tế và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Hàng năm, Tổng LĐLĐVN đều phối hợp với Bộ LĐTBXH thanh tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp. Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư, công đoàn tổng công ty trực thuộc đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành về công tác ATVSLĐ. Trong 5 năm qua, các công đoàn cấp trên cơ sở đã tham gia, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát trên 120.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; CĐCS phối hợp với NSDLĐ tiến hành 80.000 cuộc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 126.000 vi phạm và nguy cơ gây mất ATVSLĐ; Trên 15.000 nội quy, quy trình được rà soát, bổ sung.
Việc điều tra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cũng được chú trọng thực hiện. Hầu hết các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ nghiêm trọng đều có đại diện công đoàn tham gia, qua đó góp phần xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ tai nạn, đề ra các giải pháp pháp phòng ngừa và giám sát việc thực hiện giải quyết các chế độ chính sách cho người bị TNLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo kịp thời công đoàn các địa phương nơi xảy ra những vụ TNLĐ tái diễn, làm việc với cơ quan chức năng yêu cầu đình chỉ doanh nghiệp, khu vực sản xuất không bảo đảm an toàn; khắc phục ngay các nguy cơ mất an toàn, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Với mục tiêu khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các cấp công đoàn, năm 2019, Tổng LĐLĐVN đã ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) giai đoạn 2019 – 2023. Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ ưu tiên bố trí cán bộ được đào tạo chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc các chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ, BNN, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động để làm công tác ATVSLĐ; Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng làm công tác ATVSLĐ ở tất cả các cấp công đoàn với nội dung, phương thức ngày càng đổi mới, hiệu quả; Chú trọng cập nhật những điểm mới, những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực; Chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế công việc của người lao động cũng được đề ra, đi cùng đó là việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; Hướng dẫn, phổ biến đến công đoàn cơ sở về mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ tại nơi làm việc và đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp…
Những tháng đầu năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi – rút Corona (Covid-19), Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo Liên đoàn lao động các tỉnh/thành phố trong cả nước cũng như các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ. Cụ thể như: Chủ động phối hợp với NSDLĐ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như: trang bị khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện tiêu độc khử trùng nhà xưởng, vệ sinh môi trường nơi làm việc, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, bố trí các ca làm việc hợp lý, hỗ trợ công nhân lao động chi phí trông con do phải nghỉ học…để ứng phó với tình hình dịch có thể kéo dài và hạn chế tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn đoàn viên và NLĐ hiểu rõ và chủ động phòng, chống dịch; Công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo công đoàn cơ sở tiến hành đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay cho NLĐ. Trường hợp NSDLĐ không có kinh phí hỗ trợ, hoặc chỉ hỗ trợ một phần để thực hiện nhiệm vụ trên thì công đoàn cơ sở cân đối nguồn tài chính hiện có để tiến hành mua khẩu trang, nước rửa tay hỗ trợ NLĐ.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động tại TP Hà Nội
Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc’’, diễn ra trong cả nước từ ngày 01/5/2020 đến ngày 31/5/2020, Tổng LĐLĐVN đã đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về ATVSLĐ; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của NSDLĐ, NLĐ trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống báo chí công đoàn, các trang thông tin điện tử, các fanpage, facebook của công đoàn các cấp về hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ như: phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Công nhân vì thành phố Xanh - Sạch - Đẹp”, phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ...; Tổ chức ngày chủ nhật xanh “Vì an toàn vệ sinh lao động - vì sức khỏe người lao động” qua đó thúc đẩy sự tham gia của NSDLĐ và NLĐ trong việc bảo đảm ATVSLĐ. Thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV. Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV ở các cơ sở sản xuất. Tăng cường công tác phối hợp với ngành LĐTBXH, Y tế, Bảo hiểm xã hội... trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng chống dịch COVID-19; phối kết hợp trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, tư vấn, đối thoại chính sách liên quan đến người lao động tại các doanh nghiệp; chăm lo, bảo đảm quyền lợi của đoàn viên và NLĐ.
Tổng LĐLĐVN cũng yêu cầu đối với các hoạt động, sự kiện chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng hành động về ATVSLĐ: Tổ chức tư vấn trực tuyến chế độ chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động; Tổ chức Hội thi ATVSV giỏi, thi tìm hiểu về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh COVID-19…bằng các hình thức thi viết hoặc thi trên các nền tảng trực tuyến. Trong đó, tăng cường chỉ đạo công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo bảo đảm bữa ăn giữa ca của người lao động, tăng cường sức khỏe trong mùa dịch thông qua việc thương lượng Thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn ca và ATVSLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người lao động; Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN, người lao động ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổ chức, vận động và động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, NLĐ có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm ATVSLĐ. Tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, các doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ, quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ ATVSV tại cơ sở cũng như những tấm gương tập thể, cá nhân có thành tích mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời khen thưởng…/.
Nguyễn Thị Hiền
TAG: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác An toàn vệ sinh lao động
Tin khác
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động
Cần Thơ: Hơn 14.775 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng
Hà Tĩnh: Hơn 1.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quý I