Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và VTC ký hợp tác truyền thông
08:00 PM 22/08/2018
(LĐXH)- Chiều 22/8 tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện "Chương trình thông tin tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018 - 2020” giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) với VTC.
Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đồng chí Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng; đồng chí  Lê Quân, Thứ trưởng; đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp...
Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Giám đốc; các Phó Tổng giám đốc Vũ Hải, Nguyễn Xuân Huy và Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Nguyễn Kim Trung.
Tổng cục GDNN và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC ký kết thỏa thuận hợp tác
Theo nội dung ký kết hợp tác, Đài  Truyền hình kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) hỗ trợ Tổng Cục GDNN tuyên truyền về lĩnh vực GDNN trên sóng của VTC và các kênh của VOV với các nội dung sau: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về GDNN , tuyên truyền chủ trương của Đảng về GDNN, đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo chất lượng cao,  đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Tuyên truyền về giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế cuộc CMCN 4.0; các nội dung về công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế, cải cách hành chính trong giáo dục nghề nghiệp; Quảng bá hình ảnh GDNN, tuyên truyền về GDNN trong công tác tuyển sinh; sự phối hợp giữ nhà trường và doanh nghiệp trong GDNN. Tuyên  truyền về các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới, tôn vinh các  cá nhân, tập thể, điển hình, tuyên truyền về các mô hình, cá nhân tiên tiến trong GDNN…
Các nội dung này được truyền tải thông qua các hội thảo, hội nghị, sự kiện, chương trình tọa đàm về GDNN, xây dựng các chương trình chuyên biệt về GDNN trên kênh VTC2 và trên một số kênh sóng khác của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Cục GDNN giữ vai trò cung cấp các thông tin định hướng về GDNN, triển khai tuyên truyền theo yêu cầu từng giai đoạn, thông tin kịp thời về GDNN, mô hình điển hình, tiên tiến.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, công tác đào tạo nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Song thực tế hiện nay, không ít phụ huynh và học sinh vẫn có tâm lý phải vào bằng được đại học, phải làm “ông này bà kia”. Điều này không còn phù hợp trong bối cảnh đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Muốn thay đổi nhận thức buộc phải tuyên truyền. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, không chỉ kênh VTC2 chuyên về dạy nghề, các kênh khác của Đài từ phát thanh đến truyền hình  báo in, báo điện tử đều sẽ tham gia tích cực vào tuyên truyền cho công tác dạy nghề. Chúng tôi mong muốn kênh VTC 2 cũng như các kênh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tuyên truyền tốt, để người dân có thể thay đổi nhận thức về việc học nghề”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Nói về công tác GDNN trong thời gian qua, Bộ Trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, hệ thống GDNN cũng đã đạt được những thành công nhất định, trong đó có sự đồng hành, vào cuộc của hệ thống các cơ quan truyền thông nói chung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ
Song lĩnh vực này vẫn đang gặp phải những thách thức:  “Năng suất lao động của Việt Nam chưa cao. Một trong các nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa tốt. Điều này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất là vấn đề đào tạo nhân lực, công nhân kỹ thuật, những người có trình độ kỹ thuật cao chưa được đầu tư đầy đủ và đúng mức. Chúng ta có khoảng 56% lao động qua đào tạo, nhưng thực chất chỉ có 22% có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Tại các nước phát triển, mô hình đào tạo nguồn nhân lực theo hình củ khoai tây, phình ở giữa và nhỏ dần ở 2 đầu. Đây là mô hình phát triển nhân lực rất tốt, nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại.
Tỷ lệ người có trình độ  độ đại học cao hơn rất nhiều số người làm công nhân kỹ thuật . Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này do nhận thức của xã hội còn nhiều điểm chưa đến nơi đến chốn, còn tâm lý chuộng bằng cấp”.
Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khi một lượng lớn sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, làm việc có thu nhập không cao, thì xã hội cần nhìn nhận lại vấn đề.
Liên hệ tại nước Úc, Bộ trưởng Dung cho hay, có đến 55% người dân nước này đã qua đào tạo nghề. 15% số người học đại học xong quay lại học trường nghề. Đáng chú ý, hàng năm tất cả các cán bộ công chức đều đến các trường nghề để học. Thống kê cũng cho thấy, 22,5% người  có học qua trường nghề có thu nhập cao hơn những người khác.
Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, GDNN đang có những bước chuyển rõ rệt sau khi đã sắp xếp gọn lại bộ máy. Nhiều trường nghề thu hút các thí sinh đạt điểm cao, tuyển sinh gắn với cam kết đầu ra, đảm bảo việc làm cho sinh viên…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để hệ thống GDNN phát triển hơn nữa, bên cạnh sự nỗ lực của các trường, công tác tuyên truyền giữ vai trò rất quan trọng. Thông qua hệ thống truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, các bậc cha mẹ sẽ dần thay đổi nhận thức, từ đó thành công của GDNN mới thực sự vững chắc./.
Dương Thìn
TAG: hợp Tác truyền Thông Tuyển Sinh
Tin khác
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động