An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tổng công ty Xi măng Việt Nam: Hướng đến mục tiêu “Không có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy, nổ tại nơi sản xuất”
03:52 PM 07/10/2020
(LĐXH) - Những năm qua, cùng với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) luôn đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN), với mục tiêu: Tiến tới không để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) mất giờ làm, phát sinh mới bệnh nghề nghiệp (BNN) nặng và không để xảy ra cháy, nổ trong các cơ sở sản xuất.
Ý thức được đặc thù của ngành sản xuất xi măng là người lao động phải làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ, BNN và cháy, nổ, thời gian qua, VICEM đã chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ; PCCN trong sản xuất và kinh doanh. Hàng năm, đơn vị đều lập kế hoạch công tác bảo hộ lao động và phân công trách nhiệm đến từng cấp, từng đơn vị trực thuộc, từng chức danh quản lý và người lao động. Đồng thời, thực hiện thường xuyên và đầy đủ việc rà soát, chỉnh sửa bổ sung, phổ biến, hướng dẫn và ban hành mới các quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ, PCCN. Năm 2019, đơn vị đã chi gần 131 tỷ đồng cho công tác đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức phong phú và nội dung cơ bản, sát thực tế, như: Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, thi tìm hiểu Pháp luật về ATVSLĐ; Đăng tải các bài viết, phóng sự trên các phương tiện truyền thông… với cao điểm là Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng An toàn giao thông, Tháng hành động vì môi trường… Qua đó, đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, nâng cao được nhận thức của người lao động về quy trình làm việc an toàn.
Công tác đảm bảo ATVSLĐ luôn được đăt lên hàng đầu
Bên cạnh đó, hàng năm, các đơn vị thành viên của VICEM chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ và tổ chức thực hiện huấn luyện cho 6 nhóm đối tượng, đảm bảo 100% lượt người được huấn luyện định kỳ theo quy định. Trong năm 2019, các đơn vị đã tổ chức huấn luyện cho 9.129 lượt người, với chi phí gần 3,1 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã có 3.535 lượt người lao động được huấn luyện, với chi phí gần 2,3 tỷ đồng.
Do điều kiện làm việc đặc thù trong các nhà máy nên các đơn vị đều trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, bao gồm: Quần áo, mũ, giầy, kính bảo vệ mắt, nút tai chống ồn, găng tay, khẩu trang (cả khẩu trang đặc biệt chứa than hoạt tính cho những vị trí có yếu tố độc hại); và các thiết bị dùng chung như: thảm, găng tay, ủng cách điện, bút thử phóng xạ, liệu kế, dây an toàn… Có sổ theo dõi cấp phát và kiểm tra, thử nghiệm, bảo quản trang bị an toàn, phương tiện nghiêm ngặt về an toàn theo đúng quy định.
Đơn vị cũng tổ chức tốt việc khám sức khỏe định kỳ và điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người lao động mắc BNN; Đầu tư các khu luyện tập thi đấu thể thao như: Sân bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tennis giúp cán bộ, công nhân viên rèn luyện sức khỏe. Các phong trào văn hóa, thể thao, thăm quan du lịch... được tổ chức tổ chức thường xuyên, giúp người lao động thêm gắn kết với đơn vị. Các đơn vị sản xuất, đều có trạm y tế, tổ chức kiểm tra và mua bổ sung các trang bị y tế, thuốc, trang bị mỗi phân xưởng 01 tủ thuốc cứu thương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, 10 đơn vị sản xuất Xi măng VICEM đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 8.646 lượt người.
Căn cứ kết quả quan trắc môi trường lao động hàng năm, các đơn vị thực hiện tổ chức phân loại đối tượng và thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật trực tiếp đến từng đối tượng ngay trong ca làm việc theo quy định. Năm 2019, chi phí chăm sóc sức khỏe và bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động tại VICEM là gần hơn 86 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 là gần 15 tỷ đồng.
Đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đều được 100% các đơn vị thuộc VICEM đăng ký và kiểm định đầy đủ, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) thường trực 24/24, có trang bị xe cứu hỏa chuyên dụng (hoặc ký kết với cơ quan chức năng PCCC tại địa phương), bố trí họng cứu hỏa, máy bơm, bình chữa cháy xách tay đầy đủ, để có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Còn tại các đơn vị sản xuất đều được trang bị dàn chữa cháy tự động.
Công tác kiểm tra, bảo dưỡng, mua sắm bổ sung vật tư PCCN cũng VICEM được tiến hành thường xuyên, nhằm đảm bảo thiết bị hoạt động tốt và luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc khi có sự cố xảy ra, đặc biệt tại các vị trí có nguy cơ cháy nổ cao như: Kho xăng dầu, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp tại một số đơn vị, kho bao giấy, trạm điện, két than mịn, kho chứa than có chất bốc cao… Đơn vị cũng phối hợp với phòng Cảnh sát PCCC địa phương, nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị tổ chức huấn luyện nghiệp vụ định kỳ cho lực lượng chữa cháy chuyên trách và bán chuyên trách; Hợp đồng tác chiến và thực tập phương án chữa cháy tại chỗ cho lực lượng này.
Công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trong dây chuyển sản xuất và tổ chức khắc phục sự cố cũng được chú trọng. Định kỳ, hàng năm VICEM chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá rủi ATVSLĐ theo kế hoạch hoặc đột xuất. Duy trì việc đánh giá rủi ro theo hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHASA 18001. 100% dây chuyền sản xuất của VICEM được kiểm tra, có biên bản kết quả làm việc về xác định các mối nguy tiềm ẩn, có nguy cơ gây TNLĐ, BNN và cháy nổ và đề xuất các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phân tích nguyên nhân gây TNLĐ, BNN và cháy nổ để chia sẻ các kinh nghiệm trong toàn VICEM.
Bên cạnh việc đảm bảo ATVSLĐ, đơn vị cũng chú trọng bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp

Công tác vệ sinh công nghiệp cũng được duy trì thực hiện thường xuyên. Tất cả các đơn vị đều sắp xếp, quy hoạch lại mặt bằng, cảnh quan môi trường nhà máy ngăn nắp, xanh - sạch - đẹp... Trong đó, Nhà máy Xi măng Bình Phước và VICEM Hạ Long còn thực hiện rửa xe trước khi xe vào, ra khỏi nhà máy. Giờ đây, đến các nhà máy thuộc VICEM không còn hình ảnh cây cối trơ trụi bên những lò xi măng xám xịt, thay vào đó là những thảm cỏ xanh mướt, cây cối mơn mởn, bởi tổng diện tích cây xanh trong khuôn viên các nhà máy sản xuất xi măng VICEM hiện lên đến 2.466.255 m2, tỷ lệ bình quân là 34,63%. Hàng năm, việc quan trắc môi trường lao động định kỳ được các đơn vị thực hiện đầy đủ. Kết quả quan trắc là căn cứ đánh giá các yếu tố có hại, tác động môi trường lao động, đề ra giải pháp khắc phục, cải thiện môi trường lao động ngày một tốt hơn.


Không gian xanh tại các nhà máy sản xuất của VICEM


Với những nỗ lực trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, giai đoạn 2017-2019, tần suất TNLĐ xảy ra ở VICEM đã giảm so với giai đoạn trước và đạt mục tiêu đề ra. Nhiều tập thể và cá nhân của toàn VICEM được biểu dương, khen thưởng, như: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 02 cá nhân; được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Cờ thi đua cho 04 tập thể và Bằng khen cho 13 tập thể và 20 cá nhân; Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tặng Giấy khen cho 45 tập thể và 74 cá nhân...
Trong thời gian tới, VICEM sẽ thường xuyên cập nhật và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, cập nhật các tình huống gây mất an toàn, cháy nổ đã xảy ra để rút kinh nghiệm và có kế hoạch khắc phục, ngăn ngừa những tình huống tương tự. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người lao động nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong việc chấp hành Luật ATVSLĐ, Luật Bảo vệ môi trường…; Cải tiến và nâng cao chất lượng huấn luyện ATVSLĐ, PCCN; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác ATVSLĐ, tổ chức tập huấn các tình huống có nguy cơ tiền ẩn gây TNLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra an toàn tại hiện trường, duy trì và nâng cao tần suất của các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất… Hướng đến mục tiêu không để xảy ra TNLĐ gây tử vong và không để xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại về người và tài sản, góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 168,5 triệu tấn, tăng 17,8% so với nhiệm kỳ trước; doanh thu đạt 218.383 tỷ đồng, tăng 36,5%; tổng lợi nhuận trước thuế cả nhiệm kỳ phấn đấu tăng 28,3%; năng suất lao động tăng 8%/năm và bình quân tiền lương tăng 5%/năm./.
Nguyễn Hiền
 
TAG: xi măng Việt Nam TNLĐ BNN bao
Tin khác
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động
Cần Thơ: Hơn 14.775 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng
Hà Tĩnh: Hơn 1.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quý I
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hai Bà Trưng năm 2024: Nhiều cơ hội việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5