An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tôn vinh tấm gương người khuyết tật thành công trong sản xuất kinh doanh
05:54 PM 16/04/2018
Nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/2018), sáng ngày 16/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức chương trình “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Chương trình
Tham dự, có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng 48 đại biểu NKT là giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng chia sẻ với NKT
Các đại biểu tham dự Chương trình
Đây là chương trình nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương NKT tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong lao động, kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khả năng và sự đóng góp của NKT vào xã hội, góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cộng đồng NKT. 48 người khuyết tật tham gia chương trình là 48 câu chuyện khác nhau kể về quá trình vượt khó đi lên, thành lập và phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Dù hoàn cảnh, điều kiện, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong số đó có những người chưa một ngày đến trường, nhưng đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khó khăn, làm được nhiều việc mà người bình thường chưa làm được.
Điển hình như tấm gương anh Nguyễn Quốc Toàn, quê ở Phú Thọ, không một ngày đến trường, liệt toàn thân chỉ có hai ngón tay cử động nhưng anh đã vươn lên thành lập Công ty TNHH NQT, đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình. Hiện nay, công ty trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm cho 10 người với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với niềm đam mê công nghệ thông tin, anh Nguyễn Văn Đoàn (Lạng Sơn) tự nhủ phải tự lập, phải làm chủ cơ sở để phá tan sự kỳ thị, nghi ngờ “nhận nó về học nghề nhỡ làm sao lại ảnh hưởng đến mình”. Sau thời gian học hỏi ở một công ty máy tính, tích lũy kinh nghiệm, anh Đoàn mạnh dạn thành lập Trung tâm máy và thiết bị văn phòng Bảo Việt, với doanh số bán hàng năm 2017 đạt 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Tấm gương người khuyết tật chia sẻ tại chương trình
Là một tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, trẻ mồ côi, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực phát huy vai trò, thế mạnh của mình. Hoạt động của Hội luôn gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao, các chương trình, đề án của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực, đối tượng trợ giúp của Hội. Trong năm 2017, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã vận động quyên góp bằng tiền và hiện vật được 540 tỷ đồng. Hội đã triển khai thành công các chương trình: Dạy nghề cho 1.600 NKT, khoảng 70% được tạo việc làm, có thu nhập sau học nghề, với kinh phí 9,9 tỷ đồng; phẫu thuật mắt cho hơn 14.000 người khiếm thị; phẫu thuật chỉnh hình cho 1.096 NKT; mổ tim cho 611 người; cấp hơn 11.500 xe lăn, xe lắc, xe bại não...

Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta không ngừng chăm lo đời sống cho NKT. Luật NKT có sự đổi mới quan trọng trong vấn đề việc làm của NKT, đã bỏ các quy định bắt buộc doanh nghiệp tuyển dụng 2-3% NKT, thay bằng các quy định khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng NKT và Nhà nước sẽ có các ưu đãi về thuế, vay vốn, thuê đất và các hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều NKT. Luật NKT và các chương trình, chính sách khác sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp, cá nhân tạo thêm nhiều việc làm cho NKT, giúp họ tham gia lao động sản xuất một cách hiệu quả. Hiện nay, Bộ Lao động - TBXH đã bố trí ngân sách cho dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Giao cho các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu học nghề của NKT và cơ sở dạy nghề cho NKT; Nghiên cứu, xây dựng danh mục nghề phù hợp với các dạng tật; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn học nghề cho NKT; Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho NKT và giáo viên dạy nghề cho NKT và đang rà soát cơ chế dạy nghề linh động hơn, có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, bao gồm đặt hàng cho các doanh nghiệp, cá nhân dạy nghề cho NKT để tăng cương chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy nghề và tạo việc làm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thứ trưởng Bộ Lao động- TBXH Lê Tấn Dũng cũng bày tỏ sự cảm động khi nghe những chia sẻ của NKT. Tấm gương của họ là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu NKT trên cả nước. Họ chính là động lực để nhiều người còn đang mặc cảm, tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng. Đồng chí Thứ trưởng cũng tin rằng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm, chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT.

Hồng Phượng
 
TAG: người khuyết tật sản xuất kinh Doanh bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công