Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Tọa đàm khoa học về Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030
02:28 PM 16/12/2020
(LĐXH)- Ngày 15/12, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Tọa đàm khoa học Các đột phá trong Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, cho rằng: Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030 là vấn đề thời sự, quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tư vấn, góp ý nhiều nội dung liên quan đến phát triển GDNN. Dự thảo Văn kiện đã xác định GDNN nằm trong 1 trong 3 đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó nhấn mạnh việc phải hiện đại hóa, đổi mới phương thức đào tạo của GDNN.
Đại biểu và các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm
Theo Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, Chiến lược Phát triển GDNN được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
"Trọng tâm của Chiến lược phát triển GDNN là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn để bàn về Chiến lược Phát triển GDNN trong thời gian tới, chọn vấn đề nào để đột phá, giải pháp nào để đột phá" - Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, trao đổi.
Tại hội thảo, bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục GDNN), chia sẻ: Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đòi hỏi về đội ngũ lao động có kỹ năng càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm trung bình sẽ dần biết mất và lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng trao đổi tại buổi tọa đàm
Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới.
“Dự thảo Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 theo đó đã hướng đến trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - bà Khương Thị Nhàn, thông tin.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yêu cầu tất yếu về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đòi hỏi hệ thống GDNN phải đổi mới hoạt động đào tạo, không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời phải tăng cường các hoạt động đào tạo lại cho người lao động.
Nhấn mạnh vai trò của kỹ năng nghề, một số chuyên gia chia sẻ nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) – Thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng nhấn mạnh, kỹ năng nghề được goi là một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo…
Dự thảo Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 theo đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành và phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững.
PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN chia sẻ một số kinh nghiệm
PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN cho rằng, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp có tính đột phá, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả GDNN. Trong đó, cần thực hiện chủ trương “mở”, dỡ bỏ những “rào cản” cả trong tư duy và hành động của các nhà quản lý GDNN và các đối tác trong xã hội về GDNN.
Cụ thể như, thực hiện “mở” trong quản lý GDNN theo hướng trao quyền và phân quyền, chuyển dần chức năng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN sang chức năng hỗ trợ và giám sát. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN. Cùng với đó, dỡ bỏ các “rào cản” đối với người học (về địa điểm, khoảng cách địa lý, thời gian, kinh tế, tuổi tác, sức khỏe, nội dung, phương thức…) để mọi người có cơ hội được học và học được nhằm chuẩn bị cho việc làm trong thị trường lao động hoặc chuyển tiếp sang bậc trình độ khác trong hệ thống GDNN cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Bên cạnh đó, cơ sở GDNN cần tổ chức các hoạt động đào tạo linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người nghèo và các nhóm yếu thế…
Chí Tâm
TAG: Bộ Lao động thương Binh Xã Hội tổng Cục GIáo dục Nghề Nghiệp Tọa đàm KHoa học Chiến Lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030
Tin khác
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Giải bóng đá học sinh sinh viên trường Cao đẳng Quảng Nam – Tạo nền tảng thể lực để kiến tạo tương lai
Màn chào sân ấn tượng của những ngành học mới tại Ngày hội Tuyển sinh Bách khoa
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố mức điểm sơ tuyển năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ và ĐGNL
TP.HCM: Gần 790 thí sinh dự tranh tài tại Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề lần thứ 15