Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Tiêu điểm: Dạy và học lịch sử hấp dẫn…
04:16 PM 06/06/2022
(LĐXH) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.

Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật số 2 trong giờ ôn thi tốt nghiệp môn lịch sử THPT quốc gia năm 2022

Đây là quyết định được đông đảo bạn đọc, nhân dân, nhất là các thầy, cô giáo dạy lịch sử và những người quan tâm, yêu thích lịch sử rất vui mừng. Làm thế nào để môn lịch sử hấp dẫn; để học sinh yêu thích, tham gia tích cực trong các hoạt động học tập, nghiên cứu lịch sử không chỉ là trăn trở của đội ngũ giáo viên dạy sử. PGS,TS. Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trước hết phải coi lịch sử là một môn khoa học. Với tư cách là một môn khoa học thực sự sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội và mới thực sự để môn lịch sử về đúng vị thế vốn có của nó.

Môn học hấp dẫn…

Cũng theo PGS,TS.Đào Tuấn Thành, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, chúng ta từng nếm trải biết bao nỗi đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo tương lai.

“Nếu thầy cô giáo dạy lịch sử có phông kiến thức tốt, lại chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật, trang bị thường xuyên những kiến thức xung quanh các sự kiện, các bài học lịch sử từ Việt Nam đến thế giới gắn với các sự kiện thời sự để truyền đạt cho học sinh, chắc chắn môn sử rất hấp dẫn, thu hút học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên dạy sử giỏi ứng dụng công nghệ thông tin, liên hệ thực tế, biết rút ra những bài học, quy luật lịch sử từ xa xưa tới hiện tại, liên hệ, tìm ra những câu chuyện hấp dẫn chắc chắn học sinh sẽ không chán môn lịch sử”, PGS,TS.Đào Tuấn Thành nhấn mạnh.

Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật số 2 trong giờ ôn thi tốt nghiệp môn lịch sử THPT quốc gia năm 2022

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật số 2 (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đóng tại TP.Biên Hòa cho biết, Trường cô năm nào học sinh lớp 12 cũng thi tốt nghiệp môn sử. Hầu hết các em đều tốt nghiệp; chẳng hạn năm 2021, có em đạt 9,5 điểm môn sử nên điều quan trọng khi dạy sử giáo viên không nên chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa hoặc cách dạy đọc, chép, yêu cầu học sinh học thuộc lòng như trước.

Ngược lại, cô Mai luôn tận dụng vị thế của trường đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa, nơi có nhiều sự kiện lịch sử như: Di tích Nhà Xanh- nơi diệt 2 tên cố vấn Mỹ đầu tiên ở miền Nam tháng 7-1959. Di tích Nhà lao Tân Hiệp, nơi diễn ra cuộc phá khám nổi tiếng ngày 2-12-1956. Sân bay Biên Hòa với chiến thắng vang dội ngày 31-10-1964 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tặng 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay lầu trắng/ Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu”…Và chỉ 8 năm sau như lời dự báo của Bác, cuối tháng 12-1972, quân dân miền Bắc đã làm nên Chiến thắng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, đánh tan nhiều máy bay B52- một trong những phương tiện tối tân của Mỹ thời ấy, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari không điều kiện, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Từ đó tạo đà để quân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” đúng như thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

“Nếu giáo viên lịch sử biết liên kết, làm được như vậy, học sinh vừa có sự liên kết, vừa tự hào về truyền thống quê hương mà các em đang sinh sống lại gắn với hậu phương lớn miền Bắc khi nói về 12 ngày đêm cách đây ½ thế kỷ”, cô Mai khẳng định…

Đồng bộ nhiều giải pháp…

Thăm quan di tích lịch sử, giới thiệu nhân vật lịch sử là một cách để tăng hiệu quả giờ học (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường THPT tại Vĩnh Cửu thăm quan di tích Chiến khu Đ

PGS,TS.Đào Tuấn Thành cho hay, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Điều này cho thấy, lịch sử là môn học vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người.

PGS,TS.Đào Tuấn Thành bày tỏ, xuyên suốt chiều dài của lịch sử dân tộc và trải hàng ngàn năm văn hiến, lịch sử cội nguồn, văn hóa dân tộc luôn được coi là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Chính điều đó giúp một đất nước có vị thế “địa chính trị” như Việt Nam đã chiến thắng nhiều thế lực hùng mạnh hơn chúng ta.

“Giáo viên lịch sử có phông kiến thức tốt, được đào tạo bài bản; khi giảng dạy luôn coi học sinh “là trung tâm”, rèn khả năng phản biện, lập luận cho các em. Đồng thời, giáo viên không áp đặt, không nên bắt các em học thuộc lòng mà chỉ nên đóng vai trò định hướng, khơi gợi để các em cùng tham gia quá trình học tập với tâm thế chủ động, tự giác, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Bên cạnh đó phải thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá theo hướng tư duy, không kiểm tra kiểu học thuộc lòng…chắc chắn sẽ thu hút học sinh và hiệu quả môn học sẽ được nâng lên”, PGS,TS.Đào Tuấn Thành khẳng định.

Theo trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, học lịch sử để biết rằng dân tộc ta đã phải đấu tranh dựng nước, giữ nước như thế nào. Đã đánh bại các thế lực hùng mạnh xâm lược ra sao. Học để biết trước cách mạng tháng Tám, nhân dân ta phải sống “một cổ hai chòng” như thế nào, vì sao 1 năm đầu sau cách mạng tháng Tám (từ 2-9-1945 đến trước 19-12-1946), nước ta trong bối cảnh “Ngàn cân treo sợi tóc”...

Hình ảnh xe tăng ảnh đen trắng và màu húc đổ Dinh độc lập được Cô Dương Hồng Nga, sưu tầm vận dụng trong bài giảng của mình tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Để học sinh hiểu bản chất các sự kiện như trên và muốn có những bài giảng lịch sử ở trường THPT hấp dẫn, ngoài yếu tố thầy cô giáo đóng vai trò khá quyết định, còn có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy lịch sử, không phải đi theo bố cục từng ngày, tháng, năm mà nên hướng đến việc các em nắm sự kiện, ý nghĩa và càng học lên, các em càng hiểu đầy đủ bản chất sự kiện. Về phương pháp, giáo viên phải là những người “truyền lửa” cho học sinh; nghĩa là chính giáo viên phải thực sự say mê sử mới có phương pháp truyền đạt tốt và mới thu hút học sinh. Một điểm nữa phải nói là sự quan tâm coi trọng môn lịch sử để đặt đúng vị trí, đầu tư đúng thì sẽ có hiệu quả”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, cho rằng, cùng đổi mới nội dung, phương pháp, cách giảng dạy của giáo viên lịch sử, việc kết hợp giữa giới thiệu di tích lịch sử, gặp gỡ, giao lưu nhân chứng, thăm quan viện bảo tàng hoặc những vùng chiến khu…cũng sẽ là giải pháp tăng hiệu quả giảng dạy và học tập môn lịch sử.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khẳng định: Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà hành trang ra trận của những người lính kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa ngoài súng, đạn còn có cuốn lịch sử đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã huy động cả mấy nghìn năm vào sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc…Đây chính là những nguồn tài liệu quý cùng với các giải pháp đồng bộ giúp giáo viên lịch sử nghiên cứu, chọn lọc để có những bài giảng thu hút học sinh.

PGS,TS.Đào Tuấn Thành cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, sinh viên khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tốt nghiệp có việc làm ngay hơn 70% (45% vào dạy tại các nhà trường THPT hoặc BTTH). Số còn lại có thể học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều sinh viên tốt nghiệp vào dạy trong các trường quốc tế như Vinschool, TH School, làm ở các cơ quan đoàn thể của Đảng…

Nguyệt Hà

TAG: Dạy và học lịch sử hấp dẫn PGS TS. Đào Tuấn Thành đầu tư cho giáo dục văn Hóa lịch Sử bao
Tin khác
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động