Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp để đẩy lùi nạn buôn bán người
09:47 AM 25/07/2021
LĐXH – Theo số liệu của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNOCD), trên thế giới, hiện khoảng 244 triệu người di cư và số người này vẫn tiếp tục gia tăng do tác động của các vấn đề xã hội như: Khủng bố, nội chiến, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia, dịch bệnh… Việt Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kong là một trong những điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp.

Số liệu của các địa phương cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, cả nước phát hiện gần 3.500 vụ buôn bán người, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê....  Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Thủ phạm thường lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài. Thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Nguyên nhân cơ bản của nạn buôn bán người là do tình hình trên thế giới, khu vực tác động, do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; mất cân bằng về giới; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. Về chủ quan, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chất pháp luật. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực: người nước ngoài, nhân hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài…                         

Chung tay đẩy lùi nạn mua bán người (Ảnh minh họa)

Nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, thời gian qua, Việt Nam đã luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Theo đó, triển khai Chương trình 130/CP và Luật Phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP); ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 130/CP trong từng giai đoạn và hàng năm; kế hoạch triển khai, thi hành Luật Phòng, chống mua bán người; tổ chức chỉ đạo điểm của Chính phủ thực hiện Chương trình 130/CP tại 6 địa phương trọng điểm. Định kỳ, ban hành các kế hoạch tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan. Hàng năm, ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; duy trì giao ban, sơ kết về tình hình và kết quả thực hiện Chương trình 130/CP.

Đặc biệt, Chính phủ quyết định nâng cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, trở thành Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (phím tắt 111). Trong các nỗ lực vận hành, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức JICA, Ðường dây nóng tư vấn về phòng, chống mua bán người được rút ngắn, dùng chung số 111, duy trì hoạt động 24 giờ và hoàn toàn miễn phí, tăng cường tư vấn, giải đáp tiếp nhận các thông tin về nạn nhân mua bán người và chuyển tuyến tới các cơ quan hữu quan để hỗ trợ, can thiệp. Bên cạnh đó, Tổng đài cũng tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới hiệu quả trong hoạt động phòng chống mua bán người.

Nhiều sản phẩm truyền thông hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người

Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Đặc biệt, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…

Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm. Từ năm 2019 đến tháng 6/2021, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá hơn 320 vụ, bắt 420 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội có liên quan đến mua bán người.

"Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát phát hiện các đối tượng mua bán người, ngăn chặn hoạt động liên quan tội phạm mua bán người nhất là các địa bàn biên giới cần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Các tổ chức, đoàn thể và địa phương cần tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình khó khăn có nguy cơ là nạn nhân buôn bán người", đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại mitinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người năm 2020. Trên thực tế, các mặt công tác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng đã không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Đăng Doanh

 

TAG: phòng chống mua bán người Tổng đài 111 JICA
Tin khác
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo
Hội đồng hương huyện Diễn Châu tại TPHCM trao tặng 250 triệu đồng hỗ an sinh xã hội cho quê nhà