Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tiếp tục quan tâm thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
12:39 PM 11/09/2018
(LĐXH) - Ngày 11/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Paul Priest - Trưởng Bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hả cho biết: Tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy: trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%). 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, xác minh đều được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đông đủ các đại biểu tham dự hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH phát biểu tại hội thảo
Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM, Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam cho biết, mỗi năm có hàng triệu người di cư bị mua bán trong nội địa và xuyên biên giới để rồi cuối cùng trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. Theo ước tính trên thế giới hiện có khoảng 20 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức bao gồm cả các nạn bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục và lao động.
Ông Paul Priest - Trưởng Bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam
Tổ chức Di cư Quốc tế luôn đi tiên phong trong nỗ lực đấu tranh chống lại nạn mua bán người kể từ những năm đầu 1990. Từ đó đến nay, IOM đã thực hiện hàng trăm chương trình phòng chống mua bán người nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ nạn nhân và phòng ngừa, truy tố tội phạm mua bán người trên toàn cầu.
Chỉ tính riêng năm vừa qua, trên toàn cầu cứ 7 nạn nhân của mua bán người được xác định thì có một người được IOM đã hỗ trợ trở về và tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Paul Priest cho biết, Chính phủ Việt nam đã có những cam kết nghiêm túc trong đấu tranh chống nạn mua bán người trong đó nổi bật là việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia về vấn đề này. Chính phủ cũng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nạn nhân; tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người…
“Tại Việt Nam, chúng tôi may mắn được làm việc với nhiều đối tác chính phủ như: Bộ Ngoại giao , Bộ Công an, Bộ đội biên phòng, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và nhiều tổ chức khác. IOM sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc công cuộc phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, ông Paul Priest nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận và chia sẻ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Những khó khăn, bất cập về chính sách trong việc thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Những đề xuất kiến nghị của một số tỉnh, thành phố đối với việc bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về....

Mỹ Hạnh
 
TAG: hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về phòng chống tội phạm mua bán người bao
Tin khác
Hà Nội: Quý I năm 2024, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hút, tạo việc làm mới cho trên 21,1 nghìn lao động
TPHCM: Phát động Giải Báo chí viết về Chuyển đổi số
Hơn 580 triệu đồng dành tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Ngãi
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI
Hà Nội: 3 tháng đầu năm 2024, hơn 30 nghìn lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Quảng Trị đề xuất xây dựng Đền thờ tri ân các anh hùng liệt sĩ
Trợ giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội phục hồi, hoà nhập và phát triển bình đẳng
Bắc Giang huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người có công