Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Tiền Giang có 129 doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài
12:00 PM 23/06/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 129 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài với 1.436 lao động, trong đó làm việc tại các khu – cụm công nghiệp là 1.234 người.
Cụ thể, lao động người nước ngoài mang quốc tịch Châu Á có 1.401 người, gồm: Trung Quốc 865 người, Đài Loan (Trung Quốc) 279 người, Hồng Kông (Trung Quốc) 6 người, Hàn Quốc 130 người, Thái Lan 34 người, Philippines 30 người, Malaysia 16 người, Nhật Bản 13 người, Ấn Độ 11 người, Sri Lanka 08 người, Singapore 06 người, Indonesia 02 người, Ả Rập Xê út 01 người. Quốc tịch Châu Âu có 14 người (Pháp 07 người, Anh 04 người, Thụy Điển 02 người, Uraina 01 người); Châu Mỹ có 09 người (chủ yếu là người Mỹ); Châu Phi có 08 người (Ghana 04 người, Nam Phi 02 người, Nigeria 01 người, Ai Cập 01 người); Châu Đại Dương có 04 người (New Zealand 02 người, Úc 02 người).
Các chuyên gia (người đứng) là lao động nước ngoài làm việc ở Tiền Giang (ảnh VOV)
Lao động nước ngoài làm việc ở Tiền Giang chủ yếu nắm giữ các vị trí nhà quản lý (84 người), giám đốc điều hành (313 người), chuyên gia (703 người), lao động kỹ thuật là 336 người.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định trình UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 112 lượt doanh nghiệp (16 đợt) với 744 người. Trong đó, chấp thuận cấp mới (gồm tuyển mới và tuyển thay thế) 325 người, gia hạn 412 người, không thuộc diện cấp giấy phép lao động 07 người; bao gồm nhà quản lý (31 người), giám đốc điều hành (183 người), chuyên gia (389 người), lao động kỹ thuật (141 người).
Qua ghi nhận, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ở Tiền Giang chủ yếu là do doanh nghiệp mới thành lập và một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực chế tác kim loại, may, giày da, tại KCN Long Giang (Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam, Công ty TNHH nhôm Vĩnh Hưng,..); KCN Tân Hương (Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam, Công ty TNHH Hansae TG, Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang...).
Tính từ tháng 6/2020 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang tiếp nhận, thẩm định nhu cầu đăng ký nhập cảnh 28 đợt của 274 lượt doanh nghiệp với 1.591 lượt chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, chuyển Sở Ngoại vụ trình UBND tỉnh và đã được chấp thuận. Số lượng đăng ký nhập cảnh chủ yếu tại các doanh nghiệp trong KCN Long Giang và Tân Hương để thực hiện các gói thầu xây dựng còn đang dang dở hoặc lắp đặt máy móc, thiết bị, kiểm tra giám sát việc vận hành máy móc với thời gian ngắn hạn hoặc sang xử lý các sự cố kỹ thuật mà chuyên gia nước ngoài đang ở Việt Nam không xử lý được, một số ít là chuyên gia về quê ăn tết hoặc đi công tác rồi trở về Việt Nam.
Để tăng cường công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý các KCN đi kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài, tình hình nhập cảnh và khai báo lưu trú tại 11 doanh nghiệp.    
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với các chuyên gia là người nước ngoài đến Tiền Giang làm việc
Qua kiểm tra, phát hiện 08 doanh nghiệp còn tại KCN Long Giang và KCN Tân Hương còn một số trường hợp không có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Nguyên nhân do lao đông nước ngoài vào Việt Nam lắp ráp máy móc thiết bị, khắc phục sự cố có thời gian làm việc ngắn hạn dưới 3 tháng không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng doanh nghiệp chưa làm hồ sơ đề nghị (90 người); một số trường hợp thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng hồ sơ đang còn chờ hợp pháp hóa lãnh sự (09 người) và còn trường hợp chuyên gia Trung Quốc sử dụng hộ chiếu E chưa được tỉnh tiếp nhận giải quyết việc cấp/gia hạn giấy phép lao động (106 người).
Sau khi Đoàn kiểm tra lập biên bản ghi nhận sự việc và yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục trong thời hạn 15 ngày, đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp sử dụng lao động lao động nước ngoài đã khắc phục; đồng thời có báo cáo chi tiết về từng trường hợp cụ thể về việc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trong đó có cả các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động hiện đang cách ly, theo dõi y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
Thời gian tới, để tiếp tục quản lý tốt lao động người nước ngoài trên địa bàn, tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động liên quan đến người lao động nước ngoài cho người sử dụng lao động để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thẩm định chặt chẽ trường hợp doanh nghiệp đăng ký cho chuyên gia nhập cảnh, đảm bảo đúng đối tượng và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký xin chủ trương nhập cảnh với tỉnh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam của người sử dụng lao động; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị thực hiện chưa đúng quy định; kiểm tra tình hình nhập cảnh, cách ly và theo dõi sức khỏe của các chuyên gia đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19...

Chí Tâm

TAG: TIền Giang quản Lý đơn vị doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài 129 doanh nghiệp 1.436 lao động bao
Tin khác
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm