Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ thông qua mô hình Hội đồng trẻ em
02:14 PM 08/11/2022
(LĐXH)- Hội đồng trẻ em ra đời đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đây thực sự là diễn đàn hiệu quả để các em lên tiếng, gửi gắm nguyện vọng về các vấn đề của chính các em; phát huy tốt vai trò cầu nối giúp các cấp, các ngành nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kiến nghị của trẻ em.
Hiệu quả từ mô hình ở Yên Bái
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái liên tục xây dựng và duy trì những hoạt động liên quan đến trẻ em như Câu lạc bộ trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, đặc biệt là thành lập Hội đồng trẻ em… Từ đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em có cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình. Trong đó, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái được thành lập từ tháng 7/2017, là một trong 5 Hội đồng trẻ em được tổ chức thí điểm trên toàn quốc (gồm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh và Yên Bái).
Với 30 thành viên ban đầu, đại diện cho thiếu nhi tại 9/9 huyện, thị, thành phố, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, mô hình đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về vật chất, tinh thần của trẻ em…

Hình ảnh tại hội nghị Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức lấy ý kiến Hội đồng trẻ em năm 2022 (tháng 5/2022)

Đến năm 2022, mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái đã thu được trên 400 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 1.000 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em và gần 500 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em. Các thông điệp của trẻ em đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả.
Không chỉ thực hiện xây dựng Hội đồng trẻ em, Yên Bái còn triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao đời sống và bảo vệ trẻ em, như: Hỗ trợ các can thiệp hiệu quả bền vững để phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Dự án chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tỉnh Yên Bái… Hằng năm, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ vào Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp khoảng trên 2,2 tỷ đồng phục vụ cho việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập, khám chữa bệnh, phẫu thuật tim, mắt, sứt môi…
Để thực hiện quyền tham gia của trẻ em, trong năm qua và những tháng đầu năm 2022, Yên Bái đã tổ chức trên 100 lớp học ôn tập văn hóa, phổ cập kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực quyền tham gia của trẻ em và tuyên truyền, vận động trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng cao bỏ học trở lại trường. Tiếp tục duy trì hiệu qủa của Câu lạc bộ trẻ em nòng cốt cho trẻ em tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, TX. Nghĩa Lộ và hoạt động của 241 đội phát thanh măng non với nhiều nội dung phát thanh phong phú. Xây dựng Mô hình “Mỗi thiếu nhi là một tuyên truyền viên” với hình thức phù hợp, qua đó tạo môi trường cho thiếu nhi sáng tạo, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Bên cạnh đó, in ấn và phát hành 15.000 tờ rơi về Quyền và bổn phân trẻ em phát hành đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn cho 50 cán bộ đoàn huyện Yên Bình và sự kiện truyền thông tại huyện Trấn Yên về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em thu hút đông đảo sự tham gia của trẻ em và các ngành, đoàn thể. Tuyên truyền hơn 100 bài viết về triển khai Luật trẻ em về mô hình Hội đồng trẻ em, các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh &Truyền hình, các trang thông tin điện tử của tỉnh, của địa phương, trên các trang mạng xã hội.
Để hoạt động ngày càng thiết thực, trong thời gian tới, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, trong đó chú trọng vai trò của cha mẹ và gia đình trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; tạo điều kiện cũng như tháo gỡ khó khăn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, duy trì 25 Câu lạc bộ trẻ em nòng cốt với 624 thành viên và 31 Câu lạc bộ cha mẹ với 844 thành viên giúp trẻ em nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em tại cộng đồng và có kỹ năng ứng phó trước những rủi ro, thể hiện quyền tham gia của trẻ em được bày tỏ nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình.
“Kênh” quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em
Từ khi Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của trẻ em thông qua các chương trình, hoạt động của mình. Hiện có rất nhiều mô hình đang được thực hiện trong thực tế và trình diễn tại đối thoại. Những mô hình đó đều cho thấy, trẻ em có quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách qua nhiều hình thức khác nhau với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các người lớn trong một không gian an toàn, không có sự phân biệt đối xử.
Theo đó, Hội đồng trẻ em là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại, kiến nghị với đại diện HĐND các cấp về những vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Là một trong những kênh quan trọng đại diện cho tiếng nói của trẻ em, nên quy trình lựa chọn thành viên của Hội đồng trẻ em được chia thành khá nhiều khâu. Quan trọng hơn cả, thành viên Hội đồng trẻ em có quyền ứng cử, đề cử, đồng thời phải trình bày mong muốn tại cấp Liên đội, quận, huyện, thị xã. Căn cứ thành tích và nguyện vọng của thiếu nhi, đoàn thanh niên và phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã sẽ lập danh sách giới thiệu với Hội đồng bình chọn cấp tỉnh.  
Theo các chuyên gia, mô hình này đã thật sự là cầu nối, là nơi đối thoại giữa người lớn và trẻ em, trong đó, trẻ em nói và người lớn đã lắng nghe một cách tôn trọng, thiện chí và đầy tâm huyết khi ghi nhận đầy đủ những ý kiến của các em, đưa ra hướng giải quyết và quyết tâm sẽ thay đổi những điều chưa tốt mà các em đã nêu ra. Những ý kiến của các em đã thể hiện sự tự tin để độc lập suy nghĩ với đầy đủ tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn dám nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà các em đã quan sát, đã cảm nhận được tại địa phương mình.
Hội đồng trẻ em là “kênh” quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em, qua đó giúp các em phát triển kiến thức, kỹ năng; học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm, chuẩn bị trở thành công dân năng động, có ích. Quan trọng hơn, qua đây, Hội đồng trẻ em sẽ tác động đến các nhà hoạch định chính sách nhằm bảo vệ trẻ tốt hơn.
Đăng Doanh
TAG: Hội đồng trẻ em quyền trẻ em
Tin khác
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực