An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Rào cản trong tiếp cận việc làm đối với lao động nữ nông thôn
03:43 PM 25/05/2019
(LĐXH) -Tại các khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chất lượng việc làm còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội không cao đã khiến đời sống của một bộ phận lao động nữ nông thôn còn gặp không ít khó khăn.
Không có trình độ, cũng không có tay nghề, chị Lê Thị Thanh Nhung (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) xin làm công nhân ở nhà máy gạch. Dẫu công việc vất vả, điều kiện làm việc lại ô nhiễm nhưng thu nhập của chị Thanh Nhung chỉ dăm ba triệu đồng. Năm ngoái, chị Thanh Nhung quyết định đi học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để chuyển nghề.
Chị Thanh Nhung bộc bạch: “Dẫu công việc ở nhà máy gạch quá vất vả, không thích hợp với phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng vì không có việc làm, tui đành chấp nhận. Thấy đa số chị em đều xin vào làm ở các nhà máy may, công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định nên tui quyết định nghỉ việc, đầu tư học nghề may rồi xin vào làm tại một doanh nghiệp dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài”.
Không may mắn như chị Nhung, chị Nguyễn Thị Chua (TX. Hương Thủy) không còn cơ hội chuyển nghề khi tuổi đã lớn. Bao năm vất vả với ruộng vườn, tranh thủ lúc nông nhàn, chị Chua làm thêm bằng nghề thu mua đồng nát. Ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, chị làm việc không ngơi tay nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải qua ngày. Chị thở dài: “Tôi không có nghề nghiệp, cũng không vốn liếng nên chỉ biết làm nông. Vất vả nhưng mấy chục năm qua chẳng dư dả được gì. Cộng thêm việc chăm sóc, cơm nước cho người chồng bị bệnh, tôi hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi”.
Lao động nữ nông thôn thường ít có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động (ảnh minh họa)
Ở nông thôn, những trường hợp lao động nữ phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo, công việc bấp bênh như chị Nhung, chị Chua không phải là hiếm, nhất là những người làm việc trong khu vực phi chính thức. Việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc dài, họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế.
Chất lượng lao động thấp, tính bền vững trong việc làm chưa cao là một trong những rào cản khiến phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với thị trường lao động. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 146.556 lao động nữ ở nông thôn có việc làm, trong đó có 62.300 người chưa qua đào tạo. Trong số lao động nữ ở nông thôn có việc làm chia theo nơi làm việc, khu vực kinh tế và hình thức làm việc, có đến 97.949 người tự làm. 
Trong bối cảnh những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đang được áp dụng trong nông nghiệp làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn, đồng thời đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật cao hơn, đang gây ra nhiều bất lợi cho phụ nữ nông thôn, vốn được coi là có trình độ kỹ thuật thấp hơn. Vì thế, chính họ phải thay đổi nhận thức, tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tay nghề để tiếp cận thị trường việc làm trong xu thế mới.
Nhiều năm nay, việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng. Tuy nhiên, các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng “truyền thống”, như: kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, cắm hoa, làm bánh… Trừ may công nghiệp dễ dàng xin việc làm, đầu ra cho những ngành nghề khác cũng không phải dễ.
Hiện nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề thuộc Hội LHPN tỉnh tuyển sinh khá khó khăn, nhất là dạy nghề cho lao động nữ nông thôn. Không chỉ vì đa phần những người có nhu cầu đăng ký học ở các lớp dạy nghề của huyện, rào cản lớn nhất là tư tưởng của người lao động. Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề: “Nhiều phụ nữ vẫn mang nặng tư tưởng an phận, chỉ muốn ở nhà chăm sóc gia đình. Sau khi ra nghề, trung tâm giới thiệu đi làm việc ở thành phố nhưng nhiều người từ chối vì ngại đi làm xa. Thứ nữa, công việc của lao động nữ ở nông thôn thu nhập cũng không cao nên không hấp dẫn, chủ yếu dao động mức 3-4 triệu đồng/tháng”.
Để thay đổi nhận thức của phụ nữ nông thôn về học nghề và việc làm, ngoài việc tuyên truyền, tuyển sinh, tư vấn học nghề, các cơ sở dạy nghề cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Việc đào tạo nghề phải sát với thực tiễn, tránh chạy theo chỉ tiêu mà nên đào tạo những nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động để sau đào tạo, lao động có việc làm ngay.

M.Hiền

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Thừa Thiên Huế lao động nữ nông thôn an sinh xã hội Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề đào tạo nghề
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công