Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Thừa - Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động
09:37 AM 13/02/2019
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động hiện đang được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, đồng thời xem đây là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Tại tỉnh Thừa -Thiên Huế, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, cùng với giải quyết việc làm trong nước thì xuất khẩu lao động được Tỉnh Thừa -Thiên Huế xác định là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân trong tỉnh, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác.
Năm 2018, toàn tỉnh Thừa - Thiên Huế đã đào tạo nghề được 19.000 lao động, đạt 100% kế hoạch
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2018, công tác đào tạo nghề ước tuyển sinh được 19.000 lao động, đạt 100% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2018 đạt 62%. Tỉnh Thừa -Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể, đã tập trung tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đến người dân về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Tăng cường đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Ưu tiên đào tạo những ngành nghề làm ra được sản phẩm ngay hoặc lợi thế trong phát triển sản phẩm đó tại địa phương có thị trường tiêu thụ và các nghề kỹ thuật công nghệ mới trên địa bàn khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác đào tạo nghề ở tỉnh Thừa- Thiên Huế là việc phần lớn người dân và học sinh đều có tư duy là thích làm “thầy” hơn là “thợ” nên luôn chọn đại học mà không chọn các trường nghề dẫn đến tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”. Do vậy, các ban, ngành, địa phương và các trường học cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề đối với quá trình giải quyết việc làm, từng bước làm thay đổi được nhận thức của người lao động và của xã hội về công tác đào tạo nghề. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học. Đây là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến kết quả tuyển sinh đào tạo của các trường nghề. Nâng cao sự phối kết hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo nghề từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.  
Hỗ trợ vốn để giải quyết việc làm
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình việc làm tỉnh Thừa- Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 là hơn 88 tỷ đồng, trong đó ngân sách của tỉnh hơn 24 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách đã bố trí 21,351 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí 14,350 tỷ đồng, các chính sách đã được các ngành, các địa phương thực hiện kịp thời.
Sinh viên và người lao động Thừa Thiên Huế tìm kiếm thông tin việc làm tại một Ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp tổ chức
Trong công tác xuất khẩu lao động, Sở LĐTBXH đã tiếp nhận và chi hỗ trợ cho 3 trường hợp lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo xuất khẩu lao động với tổng số tiền 33,32 triệu đồng; 6 trường hợp thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển với số tiền 66,7 triệu đồng; 1 trường hợp thuộc xã bãi ngang ven biển số tiền 3,2 triệu đồng.
UBND tỉnh đã ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ thành lập mới, sáp nhập hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; Hỗ trợ đào tạo; Hỗ trợ về hoạt động của hợp tác xã.
Theo ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh, mặc dù kết quả xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có của tỉnh nhà, số lượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số... tham gia xuất khẩu lao động còn ít. Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài liên kết với các cơ sở đào tạo để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài yêu cầu ngay từ khi còn ngồi trên ghề nhà trường. Ngoài các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, người lao động còn được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng về luật pháp, văn hóa, đất nước con người, phong tục tập quán của nước đến làm việc. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo đưa giáo viên tiếng Nhật, tiếng Hàn... vào dạy cho học sinh, sinh viên có nhu cầu ra nước ngoài làm việc để định hướng, tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường phù hợp. Tập trung khai thác và đưa lao động đi làm việc ở các thị trường chất lượng cao như chương trình tiếp nhận các ngành kỹ sư của Nhật Bản, đưa lao động hộ lý, điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên sang làm việc tại Nhật Bản, Đức; đưa lao động có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và chương trình kỹ sư theo visa E7.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các ngành tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển dạy nghề tỉnh Thừa -Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đặc biệt là đội ngũ lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao.
Đồng thời có định hướng phù hợp về chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khuyến khích đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục ý thức pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán, văn hoá, hoà nhập thị trường lao động quốc tế…
PV
 
TAG: Đào tạo nghề Việc Làm lao động
Tin khác
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động
Cần Thơ: Hơn 14.775 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng
Hà Tĩnh: Hơn 1.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quý I
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hai Bà Trưng năm 2024: Nhiều cơ hội việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động