Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thủ tướng Chính phủ: “Bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ"
03:00 PM 06/08/2018
(LĐXH)- Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội. Chúng ta đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi”.
Sáng 6/8 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em, đề xuất những giải pháp tạo điểm nhấn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Dự và chủ trị Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em; đại diện các Ủy ban của Quốc hội. Hội nghị được truyền hình trực tiếp tới 700 điểm cầu tại các xã, huyện, tỉnh thành trong cả nước với khoảng 18.000 người tham dự.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, là quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trực tiếp đến trẻ em và hiện đang tích cực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, trong đó nhiều mục tiêu trực tiếp tới trẻ em.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. “Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, hỗ trợ, đưa vào số liệu thống kê thì còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ trung ương tới cơ sở; từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm các cơ quan đều đã được quy định cụ thể ngay trong Luật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em và thực trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng nếu không được chú trọng chỉ đạo quyết liệt hơn, trước khi Luật trẻ em có hiệu lực (ngày 01/6/2017),Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sau 1 năm phải tiến hành đánh giá kết quả thực hiện để có sự chỉ đạo hiệu quả hơn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân bất cập và các giải pháp cụ thể.
Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị đồng thời nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ trẻ em, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Nhà nước đã cấp BHYT miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%); tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%); tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Thủ tướng khẳng định thực tiễn rất giản dị nhưng chí lý về môi trường sống của trẻ mà chúng ta dễ bỏ qua: “Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp”.
Chính vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.
Thủ tướng nói: “Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội. Chúng ta đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em. Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý, khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng chủ trì Hội nghị
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo không chỉ xử lý nghiêm hành vi xâm hại, mà còn cả hành vi đánh đập, bỏ mặc trẻ em và các hành vi khác phải được ngăn chặn kịp thời; HĐND các cấp cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về trẻ em. Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính. Cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em. Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/ 2018.
“Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, chúng ta phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.
2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý mỗi năm
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến cuối tháng 12/2017, dân số trẻ em Việt Nam gần 26,3 triệu. Năm 2017, có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên ở Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo
Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào. Ước tính mỗi năm có khoảng 1 tỷ trẻ em, tương đương 1/2 dân số trẻ em trên thế giới gánh chịu bạo lực. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Tuy nhiên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Ba năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng tỷ lệ không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016). Tuy nhiên, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ phải tự tử.
Bộ Công an cho biết, trong năm 2017 đã phát hiện 1.592 vụ, so với năm 2016 giảm 49 vụ, gồm 1.757 đối tượng gây án, xâm hại 1.642 em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 1.370 vụ, chiếm 86% tổng số vụ xâm hại trẻ em với 1.416 đối tượng, xâm hại 1.397 em. 5 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện 682 vụ, 795 đối tượng, xâm hại 735 em; trong đó xâm hại tình dục 572 vụ chiếm 84% tổng số vụ xâm hại trẻ em, 621 đối tượng, xâm hại 562 em.
Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, lãnh đạo Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt việc bảo trợ trẻ em là nạn nhân và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân về bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể. 03 Luật, 02 Nghị định và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em đã được ban hành.
Đối với Bộ LĐTB&XH, hàng năm Bộ có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác trẻ em, trong đó có trọng tâm về chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.
Hội nghị được truyền hình trực tiếp tới 700 điểm cầu trên toàn quốc
Đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, phức tạp hoặc chậm giải quyết, gây bức xúc trong dư luận, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trao đổi với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan về việc chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cục Trẻ em và Tổng đài điện thoại quốc gia 111 trực tiếp hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền cơ sở hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục theo quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí để dư luận xã hội hiểu đúng bản chất sự việc.
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hằng năm với mục đích tăng cường truyền thông, vận động xã hội, thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, đã tập trung cho các chủ đề bảo vệ trẻ em. Năm 2017 có chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; năm 2018 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha mẹ, trẻ em nói riêng và các nhóm xã hội nói chung về công tác phòng ngừa, xử trí việc bạo lực, xâm hại trẻ em có sự cải thiện. Các lớp học và số lượng học sinh được hướng dẫn kỹ năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tăng nhanh. Số lượng thông tin, thông báo, tố giác về bạo lực, xâm hại tình dục đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trên các kênh thông tin, truyền thông và các cơ quan chức năng tăng lên rõ rệt.
Sau khi Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, công tác bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực từ công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện và phối hợp thực hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục./.
Dương Thìn
TAG: Trẻ Em xâm hại tình dục trẻ em Xâm hại
Tin khác
Điện Biên: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo
Quỹ Giáo dục Huế Hiếu Học tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Thông điệp 'Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc' của Trung ương MTTQ Việt Nam
Phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Hà Nội: Quý I năm 2024, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hút, tạo việc làm mới cho trên 21,1 nghìn lao động
TPHCM: Phát động Giải Báo chí viết về Chuyển đổi số
Hơn 580 triệu đồng dành tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Ngãi
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI