Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nội dung các công ước đều được Việt Nam nội luật hóa trong hệ thống pháp luật
06:24 AM 09/09/2022
(LĐXH)- “Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO (trong đó có 09/10 công ước cơ bản), mới gia nhập công ước số 98 về thương lượng tập thể và công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Nội dung của các công ước này đều được Việt Nam nội luật hóa trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhất là trong Bộ luật Lao động 2019 và đang được thực hiện rất tốt”.
Đây là một trong những ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại buổi tiếp và làm việc với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu vào ngày 8/9.
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi một số điều về vấn đề lao động trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Quang cảnh buổi tiếp tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vui mừng khi được làm việc cùng Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu, đặc biệt là các thông tin về lao động - xã hội nhằm thực hiện các cam kết lao động của Việt Nam trong EVFTA. Đây cũng là cơ hội để hai bên có thể trao đổi về việc thực hiện và gia nhập các công ước ILO, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Bộ luật Lao động năm 2019, các vấn đề liên quan tới lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh chào mừng ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu tới thăm và làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều hậu quả hết sức nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến quá trình thực hiện các điều khoản của EVFTA giữa Việt Nam - EU bị gián đoạn 2 năm theo lộ trình đã đề ra.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO (trong đó có 09/10 công ước cơ bản), mới gia nhập công ước số 98 về thương lượng tập thể và công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đáng chú ý, nội dung của các công ước này đều được Việt Nam nội luật hóa trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhất là trong Bộ luật Lao động 2019 và đang được thực hiện rất tốt.
Về cơ bản, các văn bản hướng dẫn triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 đã được Chính phủ ban hành đúng theo kế hoạch đề ra trước đó, gồm 03 Nghị định, 01 Quyết định và 03 Thông tư.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ về quá trình thực hiện các điều khoản của EVFTA giữa Việt Nam - EU khi đại dịch COVID-19 bùng phát
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát Bản ghi nhớ năm 2021 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và tổ chức ILO về Hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế giai đoạn 2021 – 2030 với 06 nhóm công việc, lĩnh vực hợp tác. Trước hết, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất gia nhập 15 công ước của ILO, trong đó có công ước số 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức (công ước cơ bản cuối cùng của ILO).
“Để góp phần thực hiện được các nội dung nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản hồi cũng như góp ý từ phía Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu trong quá trình xây dựng và giám sát thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động của Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định của quốc tế” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị.
Chủ tịch Bernd Lange đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo các điều khoản về lao động của EVFTA 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu bảy tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những cố gắng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo các điều khoản về lao động của EVFTA trong 02 năm qua, thời điểm dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Ông Bernd Lange, cam kết: Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu ủng hộ việc Việt Nam có thể gia nhập công ước số 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức của ILO. Bởi lẽ, công ước số 87 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động. Công ước này đảm bảo người lao động có đầy đủ quyền lợi, lợi ích chính đáng mà họ đáng được hưởng từ các tổ chức trong và ngoài nước như Công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp…  
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Chủ tịch Bernd Lange cùng các đại biểu chụp ảnh chung
Thay mặt Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu, ông Bernd Lange cũng đã bày tỏ sự tin tưởng lớn với đối tác tin cậy như Việt Nam, khi nắm rõ và tuân thủ theo lộ trình thực hiện EVFTA mà cả hai phía đã đề ra. Về cá nhân, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế sẽ có những theo dõi chặt chẽ về tình hình phát triển của Việt Nam, trong lĩnh vực lao động và hợp tác lao đông giữa Việt Nam - EU theo EVFTA.

Chí Tâm

 

TAG: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Thứ Trưởng Lê Văn Thanh Làm Việc Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu CHủ tịch Bernd Lange
Tin khác
Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nghỉ 5 ngày Lễ 30/4 và 1/5
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần