Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma túy
04:35 PM 16/04/2018
(LĐXH)-Ngày 16/4/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội thảo Nghiên cứu trao đổi về mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy, trong đó công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy không ngừng được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới luôn được nghiên cứu, áp dụng vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ cho người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện một cách tốt nhất và giúp họ ổn định cuộc sống, hội nhập cộng đồng.
Ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, trong đó giao Bộ LĐ-TBXH nghiên cứu triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, xã hội theo mô hình “tiền xét xử”. Tại Chương trình công tác năm 2018 của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Chủ tịch UBQG đã giao Bộ LĐ-TBXH khảo sát, nghiên cứu, triển khai Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma túy (gọi tắt là Mô hình).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tại Việt Nam đây là mô hình mới. Những năm gần đây, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) đã phối hợp với Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ, SCDI và Cục Quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA) nghiên cứu về Mô hình và xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng tại Việt Nam nhằm hướng tới cung cấp các dịch vụ thuận lợi nhất, tốt nhất cho những người không may nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cai nghiện, bảo đảm quyền công dân, quyền con người.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình về việc phối hợp liên ngành hỗ trợ người sử dụng ma túy ở cộng đồng, ngoài cơ sở khép kín. Mô hình chuyển gửi bởi cảnh sát đã được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có nhiều thành phố ở Mỹ. Theo đánh giá, năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình. Tỷ lệ có việc làm thu nhập cao hơn 33%; cải thiện hình ảnh của cảnh sát đối với cộng đồng: Gần gũi, thân thiện, nhân văn hơn. 
Toàn cảnh hội thảo
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình hình tệ nạn xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh khá phức tạp, có số người nghiện ma túy nhiều nhất cả nước, với hơn 22.000 đối tượng có hồ sơ quản lý. Những năm qua, thành phố đã hết sức nỗ lực và tập trung quyết liệt vào việc thực hiện cai nghiện ma túy để góp phần giảm thiểu số người nghiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, về mặt quan điểm, nhận thức theo ông Du vẫn còn nghiêng về quan điểm đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, còn những giải pháp giúp cho người nghiện ma túy được tiếp cận với các dịch vụ khác hầu như chưa được làm tốt. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tập trung nâng cao hiệu quả các điểm tư vấn, hiện thành phố có 123 điểm tư vấn. Theo đông Du, đây là tiền đề quan trọng để tới đây những điểm này sẽ gắn chặt với mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy, và nếu chúng ta tâm huyết triển khai đồng bộ thì chắc chắn sẽ có hiệu quả nhất định. Việc sử dụng những điểm tư vấn sẽ giúp chúng ta đỡ tốn kém về nhật nhân lực và vật lực đội ngũ cán bộ đã được đào tạo và cơ sở vật chất cũng đã có sắn. Ông Du rất đồng tình với việc triển khai thí điểm Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma túy.
Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Mô hình tại Việt Nam là tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy nhằm đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đề xuất việc thí điểm tại Hà Nội và TPHCM cần lựa chọn các quận huyện (mỗi địa phương thí điểm ở 2 quận) có đầy đủ dịch vụ chuyển gửi.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong mô hình; kế hoạch hoạt động để triển khai có hiệu quả…
Mỹ Hạnh
TAG: cai nghiện ma túy nghiện ma túy mô hình trợ giúp pháp lý và xã hội mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội
Tin khác
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia