Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Thanh Thủy gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
04:33 PM 27/11/2018
(LĐXH)- Những năm qua, xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt trên 65%, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện Thanh Thủy đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp; chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề.
Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) thực hiện tốt phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động. Trong đó, chú trọng tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý đào tạo, xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo; thường xuyên phối hợp liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, đa dạng hóa các ngành, nghề theo nhu cầu của xã hội và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nghề đan lát đã mang lại thu nhập chính cho các hộ dân

 ở Làng nghề Ba Đông, xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy)

Ông Nguyễn Văn Uyển, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Thanh Thủy, trao đổi: Song hành với công tác dạy nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được huyện và Trung tâm đặc biệt chú trọng để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Trung tâm đã tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo, liên kết với các trường nghề mở các lớp bồi dưỡng, dạy nghề sơ cấp ngắn hạn cho người lao động; tập trung tuyển sinh các ngành nghề có nhiều cơ hội giới thiệu đư­ợc việc làm cho người lao động sau khi học nghề, nhất là các ngành nghề nông, lâm nghiệp gắn với mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trước đây, chị Đinh Thị Bích Ngọc (sinh năm 1983) ở xã Trung Thịnh (huyện Thanh Thủy), làm nông nghiệp lúc nông nhàn thì tranh thủ buôn bán kiếm thêm thu nhập, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2017, sau khi được cán bộ Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thanh Thủy về địa phương tư vấn, tuyển sinh lớp học nghề may công nghiệp 3 tháng hệ A theo chương trình phối hợp đào tạo lao động cho doanh nghiệp ngay trên địa bàn huyện nên chị Ngọc đã đăng ký tham gia. Sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề, chị Ngọc được Công ty TNHH Alim Global - doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc ở Cụm Công nghiệp Hoàng Xá nhận vào làm. Đến nay, chị Ngọc đã khá thành thạo với công việc ở chuyền may số 10.  
Cùng với chị Đinh Thị Bích Ngọc còn có chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1987) ở xã Tu Vũ và nhiều học viên khác cũng được Công ty TNHH Alim Global nhận vào làm. Với bản tính cần cù, chăm chỉ, mức thu nhập của chị Vân cùng các học viên cũng đạt 4 triệu đồng/tháng, hơn hẳn so với làm ruộng mà không phải xa nhà.
Việc hàng loạt lao động nông nghiệp chuyển hướng việc làm đã phần nào minh chứng cho hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Thủy. Cùng với Công ty TNHH Alim Global là hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được Trung tâm phối hợp liên kết như: Công ty TNHH MTV Sơn Hà, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu Resot Vườn Vua, tổ nhóm kinh doanh dịch vụ, tổ nhóm cơ khí, HTX nuôi cá lồng… để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ.
Được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm dạy nghề Sông Đà và Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Thủy đã phát huy tối đa cơ sở vật chất, nhân lực hiện có để đảm nhiệm tốt chức năng đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp như: nuôi và phòng bệnh cho lợn, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, quản lý dịch hại tổng hợp, trồng nấm, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân...  cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm.
Bình quân mỗi năm, Trung tâm mở từ 10 - 15 lớp sơ cấp nghề thu hút trên 400 lao động, tỷ lệ học viên sau tốt nghiệp có việc làm đạt 100% đối với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, trên 90% đối với các lớp học nghề nông nghiệp. Cùng với việc mở các lớp sơ cấp nghề, Trung tâm còn liên doanh, liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo trình độ trung cấp, đại học các ngành về điện, điện tử, sư phạm mầm non, quản lý kinh tế. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục tập trung nguồn lực để tăng số lớp, số học viên tham gia học nghề theo hướng chất lượng, hiệu quả, phấn đấu trên 90% học viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chí Tâm

TAG: Thanh Thủy (Phú Thọ) gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm huyện Thanh Thủy nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên 65%
Tin khác
Hà Nội: Hỗ trợ 2000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024