An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội
04:50 PM 12/03/2019
(LĐXH) Theo thống kê của Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 137 nghìn người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, trong đó có 81.149 người cao tuổi, 40.126 người khuyết tật, 967 trẻ dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, 528 người đơn thân nghèo đang nuôi con, 242 người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp là hơn 71 tỷ đồng.
Trong công tác cứu trợ đột xuất, thành phố đã hỗ trợ chế độ mai táng phí, chi phí hỏa táng tại cộng đồng cho 8.358 đối tượng, với kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Công tác giải quyết chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên và đột xuất cơ bản được các địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định. Cùng với đó, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của trung ương đến tận cơ sở để người dân được biết và thực hiện.

Thăm hỏi, tặng quà tết cho đối tượng bảo trợ trên địa bàn thành phố

Song song với công tác trợ giúp xã hội tại cộng đồng, Sở LĐTBXH thành phố hiện đang tiếp nhận, quản lý 6.089 đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc, trong đó có 863 trẻ em dưới 16 tuổi (kể cả các em ở Làng SOS); 1.740 người cao tuổi; 2.435 người khuyết tật (có 2.388 người bệnh tâm thần). Sở đã hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội về hồ sơ tiếp nhận đối tượng theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP và Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH; tham mưu điều chuyển đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở. Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, các quận huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức thăm, tặng quà 79.887 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và 6.523 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo và các cá nhân đã tham gia thành lập 59 Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập (trong đó 49 cơ sở có quyết định thành lập) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, với số đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc là 3.311 người. Trong đó có 659 người cao tuổi, 104 người khuyết tật, 1.637 trẻ em và 911 đối tượng khác. Để thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở trợ giúp ngoài công lập, Sở LĐTBXH đã tổ chức triển khai Nghị định 103/2017/NĐ-CP, Thông tư 33/2017/BLĐTBXH và đề nghị các đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và chức năng nhiệm vụ để đảm bảo hoạt động theo quy định; đồng thời tổ chức khảo sát 5/10 đơn vị chưa có quyết định thành lập để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định hiện hành. Ngoài ra, còn phối hợp xác nhận danh sách trẻ em được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập để bổ sung hồ sơ đăng ký cư trú, hồ sơ giới thiệu cho con nuôi cho các đối tượng; Cấp phép cho Công ty TNHH Phát triển dịch vụ nhà dưỡng lão, Cơ sở bảo trợ xã hội người cao tuổi Tân Thông; Hướng dẫn Cơ sở từ thiện phật giáo Chùa Kỳ Quang II về tiếp nhận trẻ vào chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng cho trẻ tại cơ sở.

Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH còn phối hợp lập danh sách và mời 40 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác phi Chính phủ nước ngoài do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; đề xuất UBND thành phố tặng quà cho giáo viên, giáo dục viên đang công tác tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018.
Để thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quan trọng, đồng thời triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình, đề án quan trọng về người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất kịp thời những chế độ, chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội, cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các Trung tâm bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo trợ xã hội nhằm huy động sự tham gia, phối hợp của các hội, quỹ, tổ chức đoàn thể, tạo thành phong trào rộng khắp, với tinh thần trách nhiệm không chỉ của Nhà nước mà cả cộng đồng xã hội cùng tham gia chia sẻ thể hiện sự quan tâm thật sự trước các vấn đề xã hội. Đối với các Trung tâm Bảo trợ xã hội cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội theo đúng quy định về các mặt từ vật chất và tinh thần phù hợp với điều kiện từng đơn vị; tổ chức lao động sản xuất tạo nguồn thu nhập thêm cho đối tượng; dạy văn hóa, dạy nghề phù hợp với đối tượng xã hội, đồng thời chủ động tìm đầu ra, tạo việc làm cho đối tượng, nhất là người trong độ tuổi lao động hòa nhập cộng đồng.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2019, Sở LĐTBXH thành phố Hồ Chí Minh tích cực phối hợp với các ban, ngành giải quyết tình trạng người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố; Thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý chăm sóc đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, hướng dẫn và thực hiện kịp thời chính sách đối với đối tượng xã hội tại cộng đồng; Tăng cường các giải pháp với xu hướng đưa đối tượng về gia đình, hội nhập cộng đồng, chăm sóc dựa vào cộng đồng; Tiếp tục nghiên cứu tổ chức nuôi dưỡng đối tượng có thu phí đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội, huy động nguồn lực toàn xã hội là chính, giảm dần đầu tư của nhà nước; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách cho đối tượng xã hội tại cơ sở tập trung cũng như tại cộng đồng./.

Hồng Phượng
 
 
TAG: Bảo Trợ Xã Hội Chính Sách
Tin khác
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt