Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Thái Nguyên thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội
11:10 AM 10/12/2018
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện công tác Bình đẳng giới, qua đó phát huy được vai trò của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua việc triển khai trong những năm qua, nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên đáng kể; phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện… thể hiện ở các lĩnh vực, cụ thể sau:
Trong lĩnh vực chính trị. Từ năm 2013 đến năm 2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp rà soát, bổ sung nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới trong xây dựng hương ước, quy ước tại 05 đơn vị cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên; xã Vinh Sơn, TP. Sông Công; xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ; xã Tân Kim, huyện Phú Bình; xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa).
Việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hộ đồng nhân dân (HĐND) các cấp; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Gần 2.000 nữ ứng viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 được Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng chuẩn bị, trình bày Chương trình hành động trước khi ứng cử. Ủy ban bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã tổ chức tập huấn cho các ứng cử viên về kỹ năng chuẩn bị Chương trình hành động và tiếp xúc cử tri. Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự để bầu vào cấp ủy đạt tỷ lệ cán bộ nữ từ 15% trở lên theo Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị.
Tọa đàm với công nhân viên chức, người lao động của Viễn thông Thái Nguyên về chủ đề Bình đẳng giới
Trong lĩnh vực kinh tế: Luật Bình đẳng giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn lực, tiến tới bình đẳng giới thực sự giữa nam, nữ và thiết lập củng cố mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trong lĩnh vực kinh tế đã có sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ ở hầu hết các ngành nghề kinh doanh. Việc làm cho phụ nữ đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp ngày càng tăng qua các năm.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới” với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức Hội nghị biểu dương 45 phụ nữ tiêu biểu là Chủ nhiệm Hợp tác xã, nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững; 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh được các cấp hội phụ nữ giúp đỡ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động như vay vốn tín chấp, hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động… 100% cơ sở hội duy trì hoạt động tiết kiệm, vay vốn tại chi, tổ phụ nữ. Đến 31/10/2016, tổng các nguồn vốn do tổ chức Hội phụ nữ quản lý là 2.174 tỷ đồng cho 101.173 lượt người vay (tăng 1.400 tỷ đồng và hơn 50.000 lượt người vay so với năm 2011); thành lập 6.388 tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm. Trong 10 năm, các cấp Hội phụ nữ giúp đỡ phát triển kinh tế cho 28.426 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 16.997 hộ (đạt 59,8%) thoát nghèo. Duy trì và phát triển mô hình “3 trong 1” đã đào tạo nghề cho gần 2.000 lao động nữ.
Trong lĩnh vực lao động: năm 2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Thái Nguyên là 764,3 nghìn người, trong đó lao động nữ chiếm 50,3%. Lao động nữ tham gia ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó tập trung vào các ngành như: nông, lâm nghiệp; giáo dục và đào tạo; y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo; buôn bán lẻ; dịch vụ ăn uống… Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho trên 21.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ đạt 48,3%. Đề án “Dạy nghề và giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2020” và đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” tiếp tục được triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn mới.
Sau 5 năm (2011-2015) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ và dạy nghề cho hơn 26.800 lao động nông thôn (đạt 67% kế hoạch). Trong đó, tỷ lệ lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp là trên 17.000 người và có trên 74% có việc làm ổn định. Tỷ lệ lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định đạt trên 60% tập trung vào các lĩnh vực: mây tre đan, may mặc, thêu zen, nấu ăn…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: năm 2008, tỉnh Thái Nguyên đã xóa mù chữ 100% người dân và duy trì kết quả cho đến nay. Tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100% từ năm 2010 đến nay. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái tham gia các bậc học giáo dục phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) không có sự khác biệt; việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về giáo dục đào tạo ở các bậc học được đảm bảo cho cả hai giới.
Thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 24/9/2012 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về đào tạo 80 thạc sĩ, 20 tiến sĩ theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 22/11/2011 về công tác cán bộ giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã lựa chọn 55 đồng chí đi đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ. Trong đó, 3/10 cán bộ nữ đào tạo tiến sỹ (chiếm 30%); 6/45 đồng chí đào tạo thạc sỹ (chiếm 13,3%). Đối với cấp xã, tỉnh Thái Nguyên xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo dự nguồn cán bộ các chức danh Bí thư, Chủ tịch xã nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay đã tổ chức đào tạo được 03 khóa với 179 cán bộ, trong đó 32 đồng chí là cán bộ nữ (chiếm tỷ lệ 17,8%).
Trong lĩnh vực y tế: việc triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân tiếp tục được ngành y tế và các cấp, các ngành quan tâm. 180/180 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sỹ đạt 95,2%. Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh đạt 90,6%. Công tác quản lý nhà nước về y tế được thực hiện có hiệu quả đã góp phần làm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và hạn chế việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Trong gia đình: Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, triển khai các hoạt động thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”. Ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động hưởng ứng nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3; ngày gia đình Việt Nam 28/6; ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, tiếp cận từ góc độ giới - các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới từng bước được nâng lên, định kiến giới dần được xóa bỏ, khoảng cách giới từng bước được thu hẹp. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn. Địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Nhiều cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp. Các tầng lớp phụ nữ đoàn kết, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Hiền
TAG: Thái Nguyên thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hộ
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin