Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Tập yoga đúng cách
10:57 AM 10/04/2018
Từ lâu, yoga đã được biết đến như một môn luyện tập để nâng cao sức khỏe và có thể giúp điều trị bệnh. Tác giả cuốn sách“Yoga chữa bệnh” - bác sĩ Phulgenda Sinhav, người sáng lập ra Học viện Yoga Ấn Độ còn cho rằng “có bệnh gì cũng nên tập yoga”. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của bộ môn này đối với sức khỏe.
Khỏe lên nhờ yoga
Anh N.Th.C. (Hà Nội) bị bệnh hen suyễn lâu năm, đã điều trị bằng nhiều biện pháp nhưng bệnh không khỏi. Khi bắt  đầu tập yoga, anh cũng chỉ mong cải thiện được chút sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng tập luyện, anh đã thấy hiệu quả rõ rệt, không còn gặp các cơn khó thở do lên cơn hen, kể cả khi thời tiết thay đổi, không khí lạnh và độ ẩm cao. Anh C. cho biết, đối với bệnh của anh, ngoài tập các động tác Asana thì anh còn phải kết hợp thở. Chính bài tập thở trong yoga đã giúp anh đẩy lùi được bệnh hen suyễn…
Trường hợp của chị N.T.M.Th (Hà Nội) bị bệnh đái tháo đường nặng, có lúc tưởng chừng như đã đột quỵ, không đi làm được. Thế nhưng, từ khi đến với yoga, sức khỏe của chị đã được cải thiện rõ rệt. Chị trở lại công việc bình thường, lại còn có thể đi công tác xa, dài ngày… Tương tự, anh P.Q.T (Hà Nội), cũng nhờ tập yoga mà tình trạng mất ngủ kéo dài đã chấm dứt.
Lợi ích của yoga
Theo các chuyên gia, yoga đã được chứng minh có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích cũng như bệnh trầm cảm. Ngoài ra, yoga còn cải thiện nồng độ insulin và glucose trong máu, cải thiện giấc ngủ, giảm khó chịu khi mang thai và làm giảm cơn đau lưng, tăng sức chịu đựng cho những người bị bệnh tim cũng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Không chỉ vậy, yoga còn tác động đến tình trạng sức khỏe theo nhiều cách. Ví dụ như mang lại cảm xúc tích cực hơn, tăng cường sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó dẫn đến cải thiện tâm trạng, giấc ngủ, sinh lý... Nếu bạn tham gia các khóa học tập thể, yoga còn thúc đẩy sự tương tác xã hội.
Trị bệnh bằng yoga
Yoga chữa bệnh về cơ bản là một hệ thống tự điều trị. Theo quan điểm yoga thì bệnh tật, những rối loạn trong cơ thể là kết quả của những thói quen xấu, của sự thiếu kiến thức đúng đắn có liên quan đến nếp sống cá nhân, của chế độ ăn uống không phù hợp.
Do sự mất cân bằng nội tại nên một số chức  năng của cơ thể bị giảm sút nhanh hoặc từ từ. Quá trình điều trị bằng yoga gồm 3 bước: Chế độ ăn uống phù hợp; tập luyện yoga thích hợp và có kiến thức đúng đắn về những vấn đề liên quan đến cuộc sống cá nhân.
Chế độ ăn uống: Tùy theo tính chất của bệnh và điều kiện của người bệnh mà có chế độ ăn uống phù hợp. Chế độ ăn uống chung nhất của hầu hết bệnh nhân chữa bệnh bằng phương pháp yoga là hoa quả, rau tươi, bánh mì và một số loại đậu. Cách tốt nhất trong yoga là ăn chay, nhưng với những người không ăn chay thì có thể ăn cá và gan. Cần loại bỏ các loại thịt lợn, thịt bò và thịt gà ra khỏi khẩu phần ăn.
Dù khẩu phần ăn như thế nào, đều phải tuân theo một nguyên tắc cơ bản là ăn chậm, chỉ ăn 85% khả năng ăn của mình. Buổi tối ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 tiếng đồng hồ, tránh uống nước trong khi ăn, không ăn thức ăn nóng, nướng, rán và gia vị. Không dùng quá 1 hoặc 2 tách cà phê hoặc trà trong một ngày và nếu có thể thì bỏ hẳn cà phê và trà, bỏ thuốc lá và tránh dùng rượu.
Cách tập luyện yoga: Người bệnh tập luyện yoga theo tình trạng bệnh và điều kiện sức khỏe của mình. Đa số trường hợp chỉ cần luyện tập đều đặn một số tư thế (Asana) là đủ. Trong một số bệnh cụ thể thì tập luyện Pranayama (thở kết hợp Asana) là cần thiết để đem lại kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, sự tập trung tư tưởng, trạng thái tĩnh tâm cũng giúp cho việc tập yoga hiệu quả cao hơn.
Bệnh nhân phải căn cứ vào bệnh tình và thể lực của mình mà thực hiện các Asana. Thực hiện những Asana phù hợp thì thấy khỏe lên và bệnh tình thuyên giảm. Khi đó thực hiện các Asana tốt hơn, thậm chí thực hiện được cả các Asana khó hơn mà lúc đầu tưởng như không thể làm được.
Những hiểu biết cần thiết khi tập yoga
Thời  gian tập luyện: Tốt nhất là nên tập vào buổi sáng sớm, trước khi ăn sáng hoặc vào thời gian thích hợp nhưng phải sau ăn từ 2-4 giờ hoặc nửa giờ sau khi uống nước. Hàng ngày nên cố gắng tập vào một thời gian nhất định. Tập ít nhất 5-6 ngày trong một tuần sẽ thấy bệnh chuyển biến. Chỉ nên tập yoga một lần trong 24 giờ, trừ trường hợp đặc biệt có thể tập nhiều hơn theo chỉ dẫn. Người ta cũng có thể chia thời gian tập làm 2 lần trong ngày cách nhau khoảng 8 giờ. Mỗi ngày tập tối thiểu 15 phút cũng có thể thỏa mãn để duy trì sức khỏe.
Có thể tập luyện yoga trong mùa đông nhiều hơn mùa hè. Thời gian tối đa trong mỗi lần tập vào mùa đông không quá 45 phút, mùa hè không quá 30 phút.
Có sự khác nhau về thời gian như trên là do tác động của thời tiết đối với cơ thể.
Địa điểm: Tập trên sàn nhà phẳng, không nên tập ở trên giường. Dùng thảm yoga là tốt nhất. Nếu không có thảm yoga thì có thể dùng chiếu mềm thay thế và trải trên nền nhà. Chỗ tập yoga cần sạch sẽ thoáng mát, mùa hè có thể dùng quạt nhưng mùa đông cần tránh quạt và gió lùa.
Sự yên tĩnh: Phải giữ được sự yên tĩnh trong khi tập yoga, không nói chuyện, không hoạt động trí óc và không nghe nhạc. Sự yên tĩnh giúp giữ được năng lượng cũng như sự tập trung trong tập luyện.
Nghỉ ngơi: Có 2 hình thức nghỉ là nghỉ ngắn trong khoảng 6-8 giây được thực hiện giữa 2 vòng của một Asana hoặc giữa một Asana này với một Asana khác. Thường nghỉ bằng 2 lần hít thở tại thời điểm hoàn thành một vòng Asana. Nghỉ dài được thực hiện ở thời gian cuối cùng của bài tập. Nguyên tắc chung là dành ¼ thời gian luyện tập cho thư giãn. Ví dụ nếu tập yoga trong 20 phút thì thời gian thư giãn là 5 phút. Thư giãn tốt nhất là ở tư thế Xác chết (Shava Asana). Sau khi tập xong, bạn nằm trên nền nhà, nhắm mắt, cơ thể thả lỏng, thở đều và tập trung tư tưởng vào một chỗ nào đó của cảnh đẹp thiên nhiên như mảnh vườn, công viên hoặc sườn đồi, có cảm giác như đang thở không khí trong lành ở một nơi nào đó đã từng biết, tư tưởng thoải mái không còn vấn vương việc gì nữa.
Quần áo: Nên mặc quần áo tập yoga chuyên dụng và đơn giản khi tập. Nên mặc quần áo mỏng, nhẹ, co giãn, thấm hút mồ hôi.
Tắm rửa: Việc có tắm trước và sau khi tập yoga hay không là tùy ý mỗi người. Nhưng nếu sau khi tập mà muốn tắm nước nóng thì phải đợi 15 phút.
Bệnh nhân nữ tránh tập yoga trong lúc có kinh nguyệt và trong giai đoạn đầu (trước tháng thứ 4) của thời kỳ thai nghén. Phụ nữ có thai (sau tháng thứ 4) có thể tập yoga dưới sự chăm sóc và hướng dẫn của chuyên gia yoga.
Theo Sức khỏe đời sống
TAG: YOGA tập yoga đúng cách
Tin khác
Việt Nam có đủ vắc xin phòng bệnh não mô cầu cho trẻ em và người lớn
Nguy cơ thừa cân, béo phì từ sử dụng đồ uống có đường
Hội Nam y Việt Nam khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân tỉnh Gia Lai
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực tim mạch, ung thư, y tế thông minh, du lịch y tế
Khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái
Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ
Giải pháp nào để đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế?
Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non
Lần đầu tiên người dân Việt Nam được tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới