Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Tập trung các khâu trọng tâm, đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét các nhiệm vụ của ngành năm 2018
02:53 PM 15/02/2018
Năm 2017 là một năm thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kết quả đạt được toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó có phần đóng góp đầy ý nghĩa của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và địa phương, sự tập trung, nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, như:  Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 28 đề án, trong đó Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định và 01 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định và 03 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 33 Thông tư hướng dẫn thực hiện theo các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).
Công tác xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã đạt những kết quả quan trọng, tạo thêm được nhiều việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, làm tốt công tác hỗ trợ thường xuyên đối với những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đột xuất; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động được tiến hành với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực.
Năm 2017 – năm Đền ơn đáp nghĩa, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực
Đặc biệt, năm 2017 – năm Đền ơn đáp nghĩa, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực; nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức trọng thể, có chiều sâu, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự tham gia đầy đủ của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình”. Toàn ngành đã tập trung giải quyết hồ sơ tồn động về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đã rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể hồ sơ người có công còn tồn đọng với trên 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công (03 đợt trong năm 2017) cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những tồn tại, hạn chế phải kể đến như: Giáo dục nghề nghiệp, một trong những khâu đột phá của năm 2017, còn chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc ở mức nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông vào quản lý các lĩnh vực của ngành còn hạn chế, thiếu hiệu quả...
Năm 2018, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động Chính phủ đã đề ra là Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải nỗ lực hơn nữa, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2017; phát huy tinh thần tiếp tục thực hiện Phương châmĐoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” tập trung, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ của ngành đã đề ra năm 2018. Đó là:
Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ 15 nhóm giải pháp đã nêu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Lao động - Người có công và Xã hội năm 2018, trong đó, tập trung các khâu trọng tâm, đột phá nhằm tạo chuyển biến nhanh, rõ nét, thực chất hơn trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành:
Một là, tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Bộ Luật lao động sửa đổi, Pháp lệnh ưu đãi Người có công với Cách mạng, trình Quốc hội theo đúng tiến độ. Hoàn thiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trình Hội nghị TW lần thứ Bảy và chương trình xây dựng pháp luật 2018 đã được phê duyệt.
Hai là, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của các cơ quan có liên quan, chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến độ các văn bản, đề án được giao.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lương cao, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0); với các nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện và tập trung triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; Phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính); có giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội.
Bốn là, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với cách mạng; giải quyết căn bản hồ sơ công nhận, xác nhận người có công còn tồn đọng; hoàn thành hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng và thống nhất; huy động người dân, cộng đồng và xã hội thực hiện chính sách an sinh xã hội; khuyến khích người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội; làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo...
Sáu là, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; phát triển các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Bảy là, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chăm lo Tết Mậu Tuất; tập trung, quan tâm tổ chức chăm lo chu đáo cho các đối tượng, nhất là đối với người có công, đối tượng xã hội, người nghèo, người lao động; bảo đảm điều kiện vật chất, tinh thần để mọi người dân đều được hưởng tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm, an toàn./.
Đào Ngọc Dung
 Ủy viên BCH Trung ương Đảng
 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thươn binh và Xã hội
 
TAG: lao động Người có công Xã Hội Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu