Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Tập đoàn giáo dục F&U của Đức mong muốn hợp tác đào tạo lao động Việt Nam
06:43 PM 02/11/2017
(LĐXH)- Chiều 2/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân đã có buổi tiếp ông Hans Diete Sauer, Chủ tịch Tập đoàn F&U của CHLB Đức.
Thông báo với Thứ trưởng Lê Quân, ông Hans Diete Sauer cho biết, Tập đoàn Giáo dục F&U là một tổ chức giáo dục của CHLB Đức hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ và nhiều ngành nghề quốc tế. Tập đoàn có một hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trường nghề và các trường phổ thông trên toàn nước Đức.
Từ hơn 30 năm qua, F&U đã hoạch định chiến lược đào tạo từ mầm non đến đại học, triển khai thực hiện thành công các khóa đào tạo, hội thảo và các dự án giáo dục với các đối tác trong và ngoài nước. Hiện F&U là một trong những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục lớn nhất tại Đức với hơn 500 chương trình giáo dục tại 18 cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp lãnh thổ CHLB Đức.
Thứ trưởng Lê Quân tiếp ông Hans Diete Sauer
Tập đoàn F&U được Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp Quyết định thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam với tên gọi “Văn phòng đại diện giáo dục Tập đoàn F&U TNHH Vì lợi ích cộng đồng tại Việt Nam”, có địa chỉ trụ sở chính tại tổ 6 phường Láng Hạ, quận Bà Đình (Hà Nội). Sáng 2/11, Tập đoàn đã tổ chức lễ công bố giấy phép hoạt động Văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Ông Hans Diete Sauer nhấn mạnh, Tập đoàn mong muốn được hợp tác với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Quân hoan nghênh và chúc mừng Tập đoàn F&U mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và bày tỏ hy vọng giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tập đoàn sẽ có sự hợp tác hiệu quả trong tương lai; đồng thời nhấn mạnh, Đức là đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân ủng hộ mô hình đào tạo song hành (đào tạo kép). Mô hình này giúp người học có việc làm, thu nhập ngay khi ra trường, cũng như doanh doanh nghiệp có nhân lực chất lượng cao sau khi đào tạo. Thứ trưởng mong muốn mô hình này được áp dụng ở Việt Nam và đang tiến hành đánh giá lại các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện để triển khai.
“Ở Việt Nam có rất ít đơn vị làm được, lý do là các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu về đào tạo nhân lực không nhiều, thông thường ít hợp tác với các trường; trong khi các trường thì dạy theo mô hình truyền thống, việc gắn với mô tả công việc của doanh nghiệp còn thiếu. Cho nên có sự bất cập giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để đào tạo, sau đó học viên có cơ hội sang nước ngoài làm việc” – Thứ trưởng Lê Quân thông tin.
Thứ trưởng Lê Quân cũng đề xuất với Chủ tịch Hans Diete Sauer 2 nội dung. Thứ nhất, sẽ chọn một số trường, nhất là gắn với doanh nghiệp của Đức, để phối hợp hỗ trợ triển khai mô hình đào tạo song hành tại Việt Nam, vì đào tạo cần gắn với doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam. Thứ hai, sẽ chỉ đạo các trường có bộ phận kết nối với doanh nghiệp, từ đó chọn 50 – 60 cán bộ nòng cốt để đưa sang Đức đào tạo, tạo sự kết nối với doanh nghiệp. Về hai vấn đề này, Chủ tịch Hans Diete Sauer hoàn toàn ủng hộ và cho biết sẽ có lộ trình thích hợp trong tương lai./.
Dương Thìn
TAG: lao động việc làm đào tạo
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động