An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tăng cường dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn
09:05 AM 23/07/2018
(LĐXH) -Theo thống kê của Bộ Lao động- TBXH, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong các gia đình và trẻ em.
Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung bao gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mình, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Nạn nhân bom mìn thường phải chịu một cú sốc lớn khi bỗng chốc bị mất đi một phần thân thể hoặc bị suy giảm về sức khoẻ. Họ rất cần được hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn là vấn đề rất cần được nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Tập huấn cho nạn nhân bom mìn tại thành phố Đà Nẵng
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Các công việc này đã và đang được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Bộ Lao động - TBXH và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được chăm sóc sức khỏe, PHCN, học văn hóa, học nghề, việc làm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.
Nạn nhân bom mìn là trẻ em, NKT đặng biệt nặng, NKT nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng. Trường hợp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng. Với những nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng, không có khả năng chăm sóc ở cộng đồng, không có người nuôi dưỡng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, nạn nhân bom mìn là đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT, khi chết được hỗ trợ mai táng phí, được tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống. Các đối tượng đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật, trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày (đối với đối tượng được chăm sóc/nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội).
Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng khảo sát gia đình nạn nhân bom mìn
Bên cạnh đó, đã từng bước hình thành và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội cho nạn nhân bom mìn như hệ thống các trung tâm CTXH tại 40 tỉnh, thành phố, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH lên 413 cơ sở. Ngoài ra, Bộ Lao động - TBXH cũng đã phối hợp với tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho NKT là nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Củng cố và phát triển mạng lưới các bệnh viện và Trung tâm chỉnh hình và PHCN. Hiện cả nước có 10 cơ sở PHCN cho nạn nhân bom mìn (gồm 3 Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN thuộc Bộ LĐTB&XH đặt tại Đà Nẵng, Bình Định và TP. Hồ Chí Minh; 3 Trung tâm PHCN cho NKT, nạn nhân bom mìn thuộc Bộ tại các tỉnh thàh phố Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 4 trung tâm Chỉnh hình, PHCN thuộc Sở đặt tại các tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên, Ninh Bình và Hải Phòng).
Đặc biệt, trong giai đoạn 2013 – 2015, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã phối hợp với Vụ Quốc phòng - An ninh và các tỉnh xây dựng 10 trạm y tế cấp xã đặt tại 10 tỉnh, thành phố nhằm cứu chữa và PHCN cho nạn nhân bom mìn. Các trạm y tế cấp xã đã góp phần quan trọng trong việc tư vấn, sơ cấp cứu, lắp đặt chân tay giả cho nạn nhân bom mìn; tiếp nhận, quản lý và PHCN cho nạn nhân bom mìn; tổ chức các hoạt động lao động sản xuất, văn hóa thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của đối tượng. Các trạm y tế cấp xã trợ giúp nạn nhân bom mìn PHCN này thường xuyên được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế và cộng tác viên công tác xã hội tại các địa bàn có dự án thí điểm mô hình.
Trong công tác giáo dục đào tạo, để đảm bảo cho NKT nói chung, nạn nhân bom mìn nói riêng có cơ hội được học tập, mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập từng bước được phát triển về bề rộng và chiều sâu. Đến nay, cả nước có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, 700 giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng về giáo dục hòa nhập và hơn 10.000 giáo viên mầm non và tiểu học được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập cho các loại trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn khác nhau. Hệ thống giáo dục này đã đưa 269.000 em trong khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học được đến trường.
Hỗ trợ sinh kế tủ kem cho gia đình nạn nhân bom mìn, giúp họ ổn định cuộc sống
Có thể nói, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành Lao động - TBXH nói riêng, các bộ, ngành và toàn thể xã hội, trong giai đoạn vừa qua, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội đã có sự phát triển nhất định, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trong phạm vi cả nước. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn nói riêng, đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, Bộ Lao động - TBXH đã xây dựng Kế hoạch trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn giai đoạn 2017 – 2020, trong đó đề ra mục tiêu hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển các dịch vụ PHCN và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải đổi mới dịch vụ công về trợ giúp xã hội; xây dựng khuôn khổ pháp lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công; khuyến khích, tạo điều kiện thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội…
Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các yêu cầu về: rà soát, sắp xếp các cơ sở trợ giúp xã hội, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, khuyến khích hình thức hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở trợ giúp xã hội. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác trợ giúp xã hội.
Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian nhất định. Đổi mới về cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư, hệ thống tổ chức các đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội, đổi mới phương thức giao dự toán kinh phí đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công cơ bản, phục vụ đối tượng trợ giúp xã hội thao hướng nhà nước đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Tăng cường năng lực cho mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp nạn nhân bom mìn. Đồng thời hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn tại trung tâm công tác xã hội. Đi kèm với đó là tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội: tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, các dụng cụ cơ bản về vận động trị liệu và cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội và PHCN để phục vụ cho điều trị và PHCN cho nạn nhân bom mìn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng đồng thời nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và NKT.
Thu Hương
 
TAG: Bom mìn nạn Nhân Hỗ Trợ bao
Tin khác
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội