Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tăng cường đấu tranh với tội phạm mua bán người
02:13 PM 21/07/2021
LĐXH - Theo các cơ quan chức năng, hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, như: Lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để đưa nạn nhân ra nước ngoài bán; môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; “cò” môi giới việc làm để bán nam thanh niên cho các tàu đánh cá trên biển...

Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến quyền con người; tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hôi. Mua bán người là tội phạm có nguồn thu nhập cao thứ 3, sau tội phạm ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân phải chịu những tổn thất to lớn về tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị xã hội.

Theo các cơ quan chức năng, hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, như: Lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để đưa nạn nhân ra nước ngoài bán; môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; “cò” môi giới việc làm để bán nam thanh niên cho các tàu đánh cá trên biển... Nạn nhân chủ yếu có độ tuổi từ 15 - 28, hiểu biết hạn chế và hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm;... Một nguyên nhân nữa dẫn đến gia tăng tình trạng mua bán người là do công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...

Trước đó, trong các nỗ lực phòng chống tội phạm mua bán người, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ phái cử chuyên gia cố vấn về hoạt động phòng chống mua bán người và triển khai Dự án Thiết lập đường dây nóng phòng chống mua bán người tại Việt Nam, giai đoạn I từ năm 2012-2016, giai đoạn II từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021, với mục tiêu: tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) và mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người nhằm đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Tăng cường tuyên truyền phòng chống mua bán người, đặc biệt là tại các địa phương vùng biên

Với mọi nỗ lực mạnh mẽ trong phòng chống tội phạm mua bán người, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tích cực tố giác tội phạm mua bán người. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là người dân các huyện miền núi, rẻo cao. Cùng đó, chú trọng hỗ trợ các gia đình khó khăn có nguy cơ là nạn nhân mua bán người, thông qua đào tạo nghề, khởi nghiệp. Phát động phong trào toàn dân phòng chống mua bán người; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là địa bàn biên giới. Xây dựng thế trận phòng, chống mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án; phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời các nạn nhân. Đặc biệt, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay con số các vụ việc buôn bán người vẫn còn cao, nhất là tại các địa bàn vùng biên giới. Thông tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị bộ đội biên phòng đã triển khai 48 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ 21 vụ với 18 đối tượng phạm tội mua bán người; giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân (tăng 5 vụ, 15 đối tượng, 16 nạn nhân so với cùng kỳ năm trước).

Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người cho thấy, đã tiếp nhận 1.020 cuộc gọi, giảm 266 cuộc so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 854 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 147 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 19 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.

Trần Huyền

TAG: mua bán người JICA Tổng đài 111
Tin khác
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội