An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tai nạn lao động nghiêm trọng vì sao chưa giảm?
07:54 AM 09/06/2020
(LĐXH) - Tình hình tai nạn lao động (TNLÐ) tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra thường xuyên và số vụ đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của nhiều người lại có chiều hướng tăng, điển hình như vụ tai nạn sập tường tại khu công nghiệp (KCN) Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho việc không đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Hiện trường vụ TNLĐ tại KCN Giang Điền, tỉnh Đồng Nai

Số vụ TNLĐ nghiêm trọng “đến hẹn lại lên”

Vào giữa tháng 5 vừa qua vụ tai nạn lao động làm sập đoạn tường nhà xưởng dài hơn 100m, cao trên 12m của Công ty AV Healthcanre Việt Nam tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm 14 người bị thương. Những vụ TNLĐ này đã để lại nỗi đau cho thân nhân những người chết và làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của người bị thương, khó được chữa lành. Tương tự như vụ tai nạn lao động ở khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, làm sập đoạn tường dài khoảng 30m, cao 12,57m tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bohsing (KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã làm 7 người chết và nhiều người bị thương. Điều đáng nói, sau những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng này các cơ quan chức năng đều điều tra, đánh giá và rút kinh nghiệm, nhưng tai nạn lao động vẫn tiếp tục xảy ra. Cụ thể, mới đây, ngày 01/6/2020 một vụ tai nạn lao động khác lại xảy ra tại công trình khai thác mỏ đá tại tỉnh Điện Biên lại có thêm 03 người chết và mất tích. Được biết, cả 3 nạn nhân này đều là người lao động của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh, có tụ sở tại Thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Được biết, để hạn chế tình hình tai nạn xảy ra tại các công trình xây dựng, vào cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã có Công văn 1914/BXD-GĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chất lượng các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có vách tường bao che, tường ngăn kích thước lớn. Cụ thể, đối với chủ đầu tư các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp,… cần thực hiện lựa chọn những nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với loại và cấp công trình để thực hiện hoạt động xây dựng công trình; chỉ tự thực hiện việc quản lý dự án; Giám sát thi công xây dựng và các hoạt động xây dựng khác khi có đủ năng lực điều kiện theo quy định. Tăng cường kiểm soát chất lượng công tác thiết kế, tăng cường giám sát chất lượng vật liệu đầu vào, giám sát thi công theo đúng thiết kế được duyệt quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn áp dụng,… 

Đại diện Cục An toàn lao động cho biểt, nhằm chia sẻ những khó khăn mất mát và giải quyết kịp thời những chính sách cho các nạn nhân, thân nhân người bị tai nạn lao động nghiêm trọng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ giúp đỡ các gia đình nạn nhân; nhanhh chóng khắc phục hậu quả của những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng này; Đồng thời, đề nghị các sở, đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân vụ viện để phòng ngừa TNLĐ tái diễn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn mất an toàn lao động

Theo thông tin từ Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), qua thống kê báo cáo chưa đầy đủ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố gửi về tính đến hết ngày 05/6/2020 cả nước đã xảy ra 320 vụ tai nạn lao động làm 340 người bị nạn. Tính riêng trong tháng 5 (Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân), đã xảy ra 17 vụ tai nạn xã hội làm chết người là 25 người chết. Trong đó có 01 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết và 14 người bị thương,…

Trong đó, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh là hai nơi có vụ tai nạn lao động nhiều nhất. Cụ thể, trong 5 tháng đầu  năm 2020 tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra 277 vụ tai nạn lao động, trong đó: có 32 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%, có 193 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%, có 41 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 92% và 11 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 13 người. Theo Sở Lao động – thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nguyên nhân các vụ tai nạn lao động trên chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn, việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy... người lao động vô ý, bất cẩn khi thực hiện nhiệm vụ.


Vụ TNLĐ xảy ra ở Đà Nẵng (người lao động trong quá trình làm thì cáp máng bị trượt, ngã nhào vào ô thang máy)

Địa bàn TP.Hồ chí Minh cũng là nơi để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động làm nhiều người thiệt mạng trong thời gian qua.  Theo Thanh tra Sở Lao động Thương  binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố đã xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm chết 32 người, bị thương 02 người. Riêng số vụ tai nạn lao động có chết người phát sinh trong tháng 05/2020 là 10 vụ, làm chết 13 người, bị thương 02 người, ít hơn 01 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Các vụ tai nạn lao động nhiều nhất thuộc các lĩnh vực xây dựng, thứ hai là thương mại – dịch vụ, kế tiếp là sản xuất thương mại,… Trong đó, lĩnh vực xây dựng có 07 vụ tai nạn lao động, thì có  05 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân và 02 vụ xảy ra ở công trình xây dựng tòa nhà cao tầng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chủ yếu do ngã từ trên cao, bị điện giật hay do vật nặng đè,…; Còn lĩnh vực thương mại – dịch vụ là 6/29 vụ; Lĩnh vực sản xuất xảy ra 01 vụ. Nguyên nhân, các vụ tai nạn lao động xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, cũng do phần lớn người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn. Việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy; không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có,… Bên cạnh đó, ý thức của người lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Đa số người lao động bị điện giật, là người mới vào làm việc, tuổi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, vô ý, bất cẩn khi thực hiện nhiệm vụ.

Thanh tra Sở Lao động Thương  binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đã chính thức thụ lý giải quyết hồ sơ xảy ra tai nạn lao động đối với một công ty ở Quận 9 (làm chết 01 người) vào cuối năm 2019 và vụ tai nạn ngạt nước ở công ty Dịch vụ Hàng hải,… (làm chết 03 người, bị thương 02 người) xảy ra ở phao số 26B luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu, thuộc sông Lòng Tàu ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.

Hiện trường vụ TNLĐ tại công trình khai thác mỏ đá tại tỉnh Điện Biên

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trước tình hình tai nạn lao động diễn biết phức tạp, ngày 19/5/2020, Bộ Lao động –Thương binh và Xã  hội đã có Công văn gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc: Tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn xảy ra do thi công xây dựng. Đồng thời, Bộ Lao động- thương binh và Xã hội đề nghị, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai một số công việc như: Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, kịp thời động viên các gia đình có người chết và bị thương nhanh chóng ổn định, vượt qua những khó khăn, mất mát. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những thiệt hại, sự cố an toàn lao động liên tục trong thời gian qua. Còn Cục An toàn Lao động tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29 –CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban bí Thư về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Luật an toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thi công xây dựng; đặc biệt người lao động phải được tập huấn an toàn vệ sinh lao động, trong sử dụng phương tiên bảo vệ cá nhân,… Ngày 20/5/2020 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có Công văn gửi các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiền ẩn ngây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng.

Trương Đăng

TAG: tai nạn lao động nghiêm trọng an toàn lao động người lao động doanh nghiệp
Tin khác
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác mỏ hầm lò tử vong
TP.HCM: Tỷ lệ giải quyết việc làm và tạo việc làm mới đều tăng
Hà Nam: Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động