Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tác động của CMCN 4.0 đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động
11:04 AM 08/11/2019
(LĐXH) - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nếu một quốc gia nào đó không có những chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động chính xác và cụ thể thì nguy cơ bị tụt hậu là điều rất dễ xảy ra, nhất là trong công tác chuẩn bị nguồn nhân lực kết nối với thị trường lao động…
Cách mạng công nghệ 4.0 tác động không nhỏ vào thị trường lao động
Tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới như Uber hay Grab taxi. Thậm chí, không phải là những công việc nặng nhọc mà cả những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán… có thể được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn. Hay như với ứng dụng điện thoại di động cho phép theo dõi thời tiết cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long; các bảng điện tử theo dõi việc làm được thanh niên TP. Hồ Chí Minh phân tích... Với những công nghệ này có tiềm năng giải phóng lao động Việt Nam khỏi những công việc có giá trị gia tăng thấp, từ đó tạo điều kiện cho lao động tham gia vào những công việc ít nhàm chán, có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng nghĩa với việc làm tăng năng suất của người lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị tốt thì CMCN 4.0 có thể sẽ dẫn đến mất việc làm ở một số ngành, nghề... Điển hình là nguy cơ thay thế lao động trong ngành dệt may, da giày, theo báo cáo mới nhất của ILO công bố tháng 7/2016 cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ như được nêu trên. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số tuyệt đối rất lớn vì khu vực này là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ). Đặc biệt, trong số lao động này lại có nhiều lao động ít kỹ năng (trên 20% có trình độ tiểu học), và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên chiếm 35,84% đối với dệt may và 25,37% đối với giày dép. Đây là nhóm không dễ dàng tìm được việc làm thay thế ở trong khu vực chính thức. Trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác. Tuy nhiên, tự động hóa không phải là mối đe dọa đối với người tìm việc, nếu họ có kỹ năng. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều cho rằng số hóa sẽ làm tăng khả năng tuyển dụng trong thời gian tới, chỉ có 10% dự đoán sẽ giảm số nhân lực vì tự động hóa...
Tiếp tục có những cơ chế đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trên thực tế, với nền tảng tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng...  và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ... sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Tình trạng người lao động chưa có những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của việc làm hiện tại hay sau này, và có rất nhiều yếu tố khác làm hạn chế khả năng nâng cao những kỹ năng đó và thành công trong công việc. Đặc biệt, tình trạng thiếu trình độ, kỹ năng hiện nay sẽ gia tăng khi các xu hướng lớn bắt đầu có ảnh hưởng đến bức tranh việc làm. Ngay cả những lao động có kỹ năng phù hợp cũng chưa chắc sẽ tìm được những việc làm phù hợp với trình độ hay sở thích của mình. Nguyên nhân cơ bản là chưa có một điểm nào hay nơi nào để người lao động, doanh nghiệp có thể kết nối được với nhau một cách hiệu quả. Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) hiện chưa có nhiều thông tin về việc làm để cung cấp cho người tìm việc mà các giao dịch trực tuyến cũng cung cấp những thông tin tương tự. Theo nghiên cứu của Manpower Group cho thấy hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân, trong khi ít sử dụng các nguồn thông tin rộng khắp. Các trang web tìm việc trên internet tuy đã bắt đầu xuất hiện nhưng chỉ có 2-3% số người tìm việc sử dụng những trang này. Một điều dễ nhận thấy là thanh niên thường là những người hay tìm việc qua internet nhất. Tuy vậy, ngay cả những dịch vụ tìm việc trực tiếp như các đơn vị tuyển dụng, dịch vụ của cơ sở giáo dục, dịch vụ việc làm của nhà nước cũng chỉ được sử dụng một cách không thường xuyên. Người lao động cao tuổi thường tìm đến những dịch vụ của nhà nước nhiều hơn lao động trẻ, nhưng cũng chỉ chiếm chưa đến 10% số người tìm việc ở độ tuổi từ 45 đến 65.
Như vậy vấn đề đặt ra là vai trò kết nối cung cầu lao động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần phải có những thay đổi căn bản để nâng cao hiệu quả kết nối lao động và đáp ứng yêu cầu trên thị trường lao động.
Tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến số lượng, chất lượng hay bản chất chất của việc làm hiện tại và tương lai. Và hiện nay, một lý do cơ bản là vì thiếu thông tin về cơ hội việc làm, thiếu thông tin về chất lượng người lao động, thiếu thời gian mà hạn chế lựa chọn công việc, thiếu thu nhập nên khó chuyển sang những công việc phù hợp hơn, hay một loạt những yếu tố khác dẫn đến mất cân đối giữa cung cầu trên thị trường lao động. Như vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề trên, đó chính là công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động.
Tuy nhiên, hiện công tác này ở Việt Nam còn một số khó khăn do việc phân tích dự báo thị trường lao động vẫn được coi là mới, những người làm công tác này đa số là đội ngũ cán bộ còn trẻ, ít kinh nghiệm nghiên cứu, kiến thức thực tế trong lĩnh vực lao động – việc làm và thị trường lao động. Thêm vào đó là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác phân tích dự báo thông tin thị trường lao động chưa đồng bộ. Ví dụ như những thông tin về thực trạng lao động có kỹ năng nghề chưa mang tính hệ thống, bị chia cắt giữa các tỉnh, vùng, đơn vị; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin còn nhiều hạn chế…; các cuộc điều tra về doanh nghiệp, đặc biệt là điều tra thực trạng và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp chưa thường xuyên, do nguồn kinh phí bố trí từ Chương trình mục tiêu chưa ổn định dẫn đến số liệu không theo chuỗi, một số chính sách còn hạn chế trong việc thu hút và sử dụng người có năng lực…
NHB
 
TAG: thị trường lao động bao
Tin khác
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024